Kinh tế

Thủ tướng: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Đình Hiệp 21/10/2024 11:48

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 21-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.

toan-canh.jpg
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ tám, sáng 21-10. Ảnh: Media Quốc hội

Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Trình bày báo cáo tại phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhìn chung, tình hình KTXH tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và 9 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

tt.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 1-7-2024

Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”,“làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “3 ca, 4 kíp”, “xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết”.

Nhờ đó đã hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình điện trọng điểm. Hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021km. Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm.

Các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” khi tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực, trong thời gian ngắn đã huy động trên 6 nghìn tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Chính phủ đã cấp trên 432 tấn gạo, hỗ trợ khẩn cấp 430 tỷ đồng cho địa phương và đang rà soát tổng thể thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2,15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách nhất, tinh thần đại đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” càng tỏa sáng mạnh mẽ.

tt-2.jpg
Quang cảnh kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV. Ảnh: Media Quốc hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Một số chương trình, chính sách tín dụng triển khai chậm.

Trong khi đó, nợ xấu có xu hướng tăng; khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công chậm; lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai… còn lớn. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây.

Phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm 2024 đạt trên 7%

Chỉ rõ những nguyên nhân và 5 bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, quyền hạn tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; đẩy mạnh phòng, chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn...

dai-bieu-3.jpg
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ tám, sáng 21-10. Ảnh: Media Quốc hội

Cụ thể, chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ, trong đó bảo đảm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; các cháu học sinh phải được đến trường, người bệnh phải được cứu chữa; hỗ trợ con giống, cây giống, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển KTXH, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho nhân dân.

Đồng thời rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của năm 2024, từ đó tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng trên 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.

“Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng; 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm thành lập nước và là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

dai-bieu-2.jpg
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ tám, sáng 21-10. Ảnh: Media Quốc hội

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Đặc biệt là phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, từ đó có các giải pháp đột phá trên tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Thủ tướng nêu bật các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2025, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng chỉ rõ 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2025. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

“Chúng ta đang đứng trước thời điểm rất quan trọng để bứt phá thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không khó khăn nào có thể cản được quyết tâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Mỗi thách thức là cơ hội để chúng ta trưởng thành, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp

Tại phiên khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.

Năm 2024, vượt qua khó khăn, thách thức, KTXH nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15.

vu-hong-thanh-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày áo cáo. Ảnh: Media Quốc hội

Bên cạnh những thành tựu cơ bản nêu trên, tình hình KTXH nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức. Vì thế, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn 10 nhóm vấn đề. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, việc đạt được mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế, như sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công.

Giải ngân vốn đầu tư công tăng chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%); vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước.

“Có ý kiến cho rằng, với cùng một hệ thống pháp luật, thực tế kết quả triển khai ở các cơ quan, đơn vị, địa phương là khác nhau. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng này” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

vu-hong-thanh-1.jpg
Quanh cảnh phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội

Về dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo báo cáo của Chính phủ.

Để tập trung vào một số vấn đề chính, cốt lõi thực hiện trong năm 2025, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả, lạm phát, xu hướng hạ lãi suất, giảm thắt chặt tiền tệ để chủ động có giải pháp phù hợp; bảo đảm ổn định KTXH trong điều kiện bất định.

Tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để thích ứng với những thách thức của toàn cầu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển; kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn.