Chính trị

Sáng nay, 21-10, khai mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV:Tạo tiền đề bứt phá trong kỷ nguyên mới

Tiến Thành 21/10/2024 - 06:55

Sáng nay, 21-10, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng khi Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề lập pháp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo tiền đề bứt phá để đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.

hop-1.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Viết Thành

Kỳ vọng với những quyết nghị tại kỳ họp

Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tám, cử tri và nhân dân phấn khởi về kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; tình hình chính trị - xã hội được giữ vững ổn định; an ninh, quốc phòng được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng…

Cử tri cũng đánh giá cao Quốc hội tiếp tục có nhiều sáng tạo, cải tiến; đồng hành với Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, thúc đẩy các công trình trọng điểm quốc gia; chú trọng tới việc xem xét giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp…

Kỳ họp thứ tám cũng đánh dấu bước cụ thể hóa đầu tiên đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với việc Quốc hội cho ý kiến vào chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Cử tri Khuất Minh Trí (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ mong muốn, Quốc hội sẽ thảo luận, thống nhất việc đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao thỏa đáng, bảo đảm tiến độ để người dân được hưởng lợi, hạ tầng đường sắt không bị tụt hậu. “Đường sắt tốc độ cao sẽ bắt đầu một thời kỳ mới phát triển đường sắt quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, cử tri Khuất Minh Trí nhận định.

Là kỳ họp có khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 15 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và xem xét, cho ý kiến 13 dự án luật khác. Cử tri Nguyễn Thu Huyền (quận Hà Đông) kỳ vọng, các dự án luật, dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sẽ bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, góp phần đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Quan tâm đến dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu, cử tri Đào Tiến Sơn (huyện Gia Lâm) tin tưởng, việc ban hành dự luật sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu. Cùng với đó, cử tri Đào Tiến Sơn mong muốn, dự án luật sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương; đồng thời phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo đảm kiểm soát quyền lực, tránh tạo sơ hở trong thực thi pháp luật.

Bảo đảm xây dựng pháp luật sát thực tiễn

hop-2.jpg
Quang cảnh buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, chiều 20-10. Ảnh: TTXVN

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tám, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổng hợp được 28 ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương.

Trong đó, về việc Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ họp thứ tám, cử tri Hà Thị Thu (huyện Thạch Thất) đề nghị, Bộ Y tế nghiên cứu mở rộng phạm vi chi trả cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, như: Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế; cải tiến, đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ số trong việc liên thông các tuyến phục vụ công tác chuyển viện, khai thác thông tin y tế liên quan đến người bệnh.

Cử tri thị xã Sơn Tây cho rằng, hiện nay giá cả, chi phí sinh hoạt của người dân đều tăng, quy định cá nhân không có người phụ thuộc phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi nâng mức thu nhập từ tiền lương, tiền công phải chịu thuế thu nhập cá nhân tối thiểu từ 18 triệu đồng/tháng.

Cử tri Nguyễn Đức Chiêu (quận Hoàng Mai) cho biết, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035”. Để thực hiện mục tiêu trên, cử tri kiến nghị Quốc hội sớm thông qua “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035”, để tạo điều kiện phát triển nền văn hóa nước ta.

Về quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, cử tri các địa phương kiến nghị, Quốc hội tiếp tục có ý kiến để Chính phủ hoàn thiện, phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch. Trong quá trình xây dựng Đồ án, các bộ, ban, ngành cần đánh giá các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô; hiện trạng về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông, tình trạng úng ngập, tình trạng ùn tắc giao thông, các giá trị văn hóa...

Tổng hợp kiến nghị của cử tri toàn quốc về công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cần ủy quyền cho Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật (nghị quyết, nghị định) quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền điều chỉnh của luật nhằm kịp thời xử lý những vấn đề mới, phức tạp chưa ổn định mà nếu luật quy định thì rất dễ bị lạc hậu, gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, cản trở phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến luật phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. “Đối với các vấn đề được ủy quyền, luật chỉ quy định nguyên tắc, khung chính sách chung; còn nghị quyết, nghị định của Chính phủ sẽ quy định chi tiết phù hợp với từng thời điểm”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Các ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám với mong muốn Quốc hội sẽ hoàn thành mục tiêu của kỳ họp, sáng suốt đưa ra được những quyết nghị đúng đắn nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển, các đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; chuẩn bị tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới vươn mình phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chiều 20-10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể ngày 21-10, dự kiến bế mạc sáng 30-11, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội).

Kỳ họp thứ tám được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21-10 đến hết ngày 13-11; đợt 2 từ ngày 20-11 đến sáng 30-11, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ bảy. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 29,5 ngày.

Đối với công tác nhân sự tại kỳ họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ xem xét thông qua chương trình kỳ họp, trong đó có nội dung nhân sự. Theo chương trình dự kiến kỳ họp trình Quốc hội thông qua tại phiên trù bị, tại ngày đầu tiên của kỳ họp (21-10), Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự bầu chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đến thời điểm này, chương trình kỳ họp chỉ là dự kiến. Chương trình kỳ họp chính thức sẽ được Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị trước phiên khai mạc kỳ họp.

Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, vào 8h ngày 21-10-2024, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Vào 9h cùng ngày, Quốc hội họp phiên khai mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam), kênh VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), Truyền hình Quốc hội Việt Nam.