Nông nghiệp - Nông thôn

Chương Mỹ nỗ lực khôi phục hệ thống thủy lợi sau lũ lụt

Thanh Hải 21/10/2024 - 06:52

Bù đắp thiệt hại do lũ lụt gây ra, người dân huyện Chương Mỹ đang dồn lực sản xuất vụ đông. Tuy nhiên, để mùa vụ sản xuất thắng lợi, người dân huyện Chương Mỹ rất mong cơ quan chức năng sớm đầu tư kinh phí khôi phục hệ thống công trình thủy lợi.

chuong-my.jpg
Tuyến kênh Trạm bơm Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) bị hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Kim Nhuệ

Dù sắp bước vào thời kỳ chính vụ sản xuất cây vụ đông nhưng nhiều cánh đồng thuộc địa bàn các xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) vẫn còn loang loáng nước. Một vài thửa ruộng trên vùng đất cao, người dân bắt đầu gieo trồng ngô, rau cải, dưa chuột...

Dừng tay bón phân cho ruộng ngô mới trồng, bà Nguyễn Thị Toàn, người dân thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 sào ruộng nhưng đến nay mới trồng được gần 1 sào ngô trên vùng đất cao; số diện tích còn lại vẫn chưa thể trồng cây gì, phần vì đất còn sũng nước, phần vì lo ngại tái diễn ngập lụt, thiếu nước tưới dưỡng cây trồng vụ đông...".

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, nông dân các xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ rất vui mừng khi biết thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ có chính sách hỗ trợ giống, phân bón để phát triển cây vụ đông. Tuy nhiên, nhiều nông dân còn lo ngại mất mùa vì nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn đang bị xuống cấp, hư hỏng...

Quan sát hệ thống thủy lợi của huyện Chương Mỹ trong ngày 17-10, phóng viên nhận thấy nỗi lo của nông dân ở đây là có cơ sở. Đơn cử, tại xã Nam Phương Tiến, khoảng 3km kênh của Trạm bơm Nhân Lý xuất hiện gần 20 vị trí sạt lở bờ, mái kênh làm thu hẹp tới 1/3 lòng dẫn. Tại các trạm bơm: Bao Vùng, Cầu Tây, Đồng Trối, Cửu Khê, Gò Khoăm, Yên Cốc... thuộc địa bàn các xã: Hoàng Văn Thụ, Mỹ Lương, Hồng Phong, Thủy Xuân Tiên, Ngọc Hòa... xuất hiện nhiều vết nứt gây thấm dột nhà trạm; động cơ máy bơm rơ rão, hiệu suất chỉ đạt 50-55% công suất thiết kế...

Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến Phùng Văn Mạnh cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 18km kênh mương nhưng chỉ gần 2km được kiên cố, số còn lại đều làm bằng đất. Trận lũ lụt vừa qua đã làm hư hỏng gần như toàn bộ. “Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm khắc phục hư hỏng công trình thủy lợi để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất nông nghiệp trong mùa vụ tới...”, ông Phùng Văn Mạnh kiến nghị.

Thống kê của huyện Chương Mỹ và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cho thấy, hoàn lưu bão số 2 và 3 đã gây hư hỏng nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn, trong đó có các đập hồ Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu cùng nhiều tuyến kênh, trạm bơm tưới tiêu...

Để bảo đảm năng lực tưới tiêu của các công trình thủy lợi trên địa bàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường cho biết, đơn vị đang kiểm tra đánh giá, xác định mức độ hư hỏng, khối lượng, tính toán kinh phí khắc phục sửa chữa khẩn cấp các công trình; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và chỉ đạo Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ vận hành bảo đảm an toàn công trình. Đối với các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa nước xung yếu, đơn vị trực thuộc phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi mực nước hồ; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; bố trí nhân lực trực tại các công trình có nguy cơ sự cố, kịp thời phát hiện xử lý tình huống bất thường nếu xảy ra.

Về trách nhiệm của địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và tổ chức thủy lợi cơ sở vận động nông dân, xã viên ra quân nạo vét kênh mương, giải tỏa các vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy... Để thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Chương Mỹ đề nghị các sở, ngành liên quan kiểm tra, đề xuất UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ địa phương kinh phí duy tu sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh mương, trạm bơm hư hỏng, xuống cấp do hoàn lưu bão số 2 và 3 gây ra...

Có thể thấy, hệ thống thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống người dân nông thôn. Vì vậy, các cấp, ngành của thành phố cần tăng nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực hệ thống thủy lợi, nhất là những vùng thường xuyên thiệt hại do lũ lụt gây ra, trong đó có huyện Chương Mỹ...