Du lịch

Du lịch đường sông: "Khoảng trống" đầy tiềm năngCần nhiều giải pháp để tăng sức hấp dẫn

Mỹ An 21/10/2024 - 05:55

Mặc dù còn nhiều hạn chế, khó khăn khiến du lịch đường sông chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nhưng đây vẫn được cho là một loại hình du lịch còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bên cạnh việc đề xuất các giải pháp chung, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra ý kiến đáng chú ý nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch đường sông, qua đó tạo bước phát triển đột phá cho loại hình du lịch này trong tương lai.

TS Nguyễn Văn Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):
Đa dạng hóa sản phẩm để thu hút du khách

van-luu.jpg

Du lịch đường sông ở Việt Nam là một loại hình còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, để tránh sự trùng lặp giữa các địa phương và với các loại hình khác, cần đa dạng hóa hoạt động du lịch đường sông, bao gồm du ngoạn, thể thao, giải trí dưới nước, tham quan tìm hiểu môi trường, đời sống và văn hóa, lịch sử. Những hoạt động này được tạo thành một cách trực tiếp và gián tiếp gắn với môi trường du lịch sinh thái, cảnh quan và các khách thể khác. Có thể nghiên cứu thêm các hoạt động tái hiện những chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm, như chiến thắng Bạch Đằng, Rạch Gầm - Xoài Mút... nhằm giúp du khách hiểu thêm về lịch sử và gia tăng trải nghiệm.

Bên cạnh đó, để du lịch đường sông hấp dẫn hơn, có thể đưa thể thao dưới nước vào hoạt động trải nghiệm, như lặn thám hiểm đáy sông, thi đấu thể thao, tổ chức cho khách tham quan trải nghiệm hoạt động nuôi trồng thủy sản...

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của du lịch đường sông, ngành Du lịch cần nghiên cứu xây dựng đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa để mở rộng phạm vi hoạt động và kết nối hệ thống sông, hồ, kênh, rạch, đầm phá, vũng, vịnh; nối liền đường ven biển với các cửa sông để tạo thành tour chạy dọc Việt Nam, hoặc nối với các đảo thuộc vùng nội thủy của Việt Nam nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đường thủy hấp dẫn, độc đáo.

PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa:
Quy hoạch phải đi trước

thanh-thuy.jpg

Với 2.360 dòng sông, Việt Nam là một trong những quốc gia có mật độ sông lớn nhất thế giới. Nguồn tài nguyên này là không thể phủ nhận. Đặc biệt, mỗi dòng sông lại ẩn chứa nhiều câu chuyện văn hóa, lịch sử và nền văn minh Việt cổ. Vì thế, cần phải kể cho du khách những câu chuyện của dòng sông để họ có ấn tượng tốt đẹp về vùng đất mà mình đi qua. Trong các hành trình tour, dấu ấn văn hóa luôn để lại nhiều cảm xúc nhất cho khách du lịch.

Để tăng sức hấp dẫn và phát triển du lịch đường sông một cách bài bản, đầu tiên cần chú ý đến công tác quy hoạch. Không phải con sông, đoạn sông nào cũng có thể phát triển du lịch. Các địa phương cần nghiên cứu, xem xét trên bản đồ du lịch tổng thể của cả nước, lấy đó làm cơ sở để có những quy hoạch chi tiết, tránh việc phát triển chồng chéo, ồ ạt, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, cần lập quy hoạch du lịch đường sông như một khu chức năng du lịch với các bến bãi, luồng lạch, cầu tàu... để tổ chức các điểm tham quan, từ đó đề xuất chính sách phát triển trên sông cũng như sự kết nối với cuộc sống của cư dân hai bên bờ sông.

Phải có chiến lược phát triển dựa trên cơ sở quy hoạch, và quy hoạch phải đi trước. Đặc biệt, cần lập quy hoạch cho các đoạn sông ngắn trước rồi tới các con sông tầm trung và khu vực nội địa gắn với các trung tâm phát triển du lịch, sau đó mới phát triển ra các con sông lớn hơn. Quy hoạch tốt còn là nền tảng cho việc xây dựng chính sách bảo tồn hệ thống di sản ven sông và xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất liên quan để phát triển du lịch đường sông.

Ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam:
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí, kém hiệu quả

quoc-tri.jpg

Nhiều con sông của Việt Nam có giá trị lớn về cảnh quan và văn hóa - lịch sử không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có quyền mơ mộng một ngày nào đó Việt Nam sẽ có những dòng sông du lịch giống như sông Seine (Pháp), sông Danube (các nước châu Âu) hay sông Dương Tử (Trung Quốc)... Đây là một sản phẩm du lịch trong tổng thể chung, cần nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp phát triển dựa trên giá trị tài nguyên vốn có và bắt đầu với cách tiếp cận ở góc độ lịch sử.

Để thu hút được các dòng khách có mức chi tiêu cao đến với du lịch đường sông, cần có sự nghiên cứu thị trường bài bản với các số liệu cụ thể để xây dựng sản phẩm phù hợp với các đối tượng khách, từ đó đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Việc tiếp cận theo hướng liên ngành cũng rất quan trọng, bởi không thể phát triển du lịch đường sông nếu chỉ có các doanh nghiệp du lịch với nhau. Trên một dòng sông có nhiều ngành quản lý cùng hệ thống quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vì thế, cần tăng cường sự kết nối liên ngành, liên vùng để quản lý và phát triển du lịch đường sông một cách bài bản nhất.

Bên cạnh đó, cần kiên trì để phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một chương trình tour thuận lợi, sau khi phát triển thành công sẽ nhân rộng ra các địa phương khác. Không nhất thiết các địa phương có sông đều phát triển du lịch đường sông, điều đó dễ gây lãng phí, kém hiệu quả.

Ông Cao Quốc Chung, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Vidotour tại Hà Nội:
Khôi phục, tái hiện hoạt động chợ nổi để tăng trải nghiệm cho du khách

quoc-chung.jpg

Do chịu ảnh hưởng của du lịch đường bộ và sự phát triển của thương mại điện tử nên hoạt động du lịch, hoạt động buôn bán, giao thương cũng như cuộc sống sinh hoạt trên sông đã có sự biến đổi khá lớn. Rõ nhất là các chợ nổi, làng nổi trên sông nay gần như không còn, hoặc còn nhưng thiếu hấp dẫn, như chợ nổi Cái Răng, Phụng Hiệp, Cái Bè... Được biết, các địa phương đã cố gắng làm sống lại sức hấp dẫn của các chợ nổi này, nhưng theo đánh giá của khách hàng, chỉ như vậy thì vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để họ quay trở lại.

Để khắc phục hạn chế này, cần nghiên cứu giải pháp nhằm kết nối các tuyến du lịch đường sông với giao thông đường bộ và các nhà cung cấp dịch vụ đạt chuẩn, qua đó đáp ứng nhu cầu tham quan chợ nổi và thu hút khách trở lại. Với các chợ nổi không còn giữ được nét truyền thống, người dân không còn sinh hoạt ở đó thì không thể đưa khách du lịch tới. Vì thế, cần lựa chọn những nơi có đủ điều kiện để tái hiện và làm sống lại hoạt động chợ nổi trên sông với những nét văn hóa vùng miền đặc trưng, bởi khách du lịch quốc tế rất thích những trải nghiệm này. Với những sản phẩm độc đáo như thế, du lịch đường sông của Việt Nam sẽ khẳng định được sức hấp dẫn của mình.