Xã hội

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024): Tô thắm truyền thống “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Ðảm đang”

Phan Thế Hải 20/10/2024 - 14:24

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho đất nước và nhân dân ta, trong đó có sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Người thấu hiểu phụ nữ và thân phận của họ trong một đất nước nô lệ để rồi đặt phụ nữ đúng với vai trò vốn có trong xã hội, khích lệ họ tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, khẳng định rõ truyền thống “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

phu-nu.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số. Ảnh: Tư liệu

Giải phóng và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ trong xã hội

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ chịu đủ loại bất công. Không được tự do yêu đương, không có quyền mưu cầu hạnh phúc và cũng không có tiếng nói trong quản lý xã hội. Ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến phụ nữ và trẻ em ở những nước thuộc địa nói chung, Việt Nam nói riêng. Người cho đó là những lớp người khổ nhất trong những người khổ cực, họ không những phải chịu đựng nỗi đau của người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người. Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến nên Nguyễn Ái Quốc luôn đặt ra yêu cầu bức thiết giải phóng “nửa thế giới” khỏi xiềng xích nô lệ. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”.

Bác Hồ đánh giá rất cao vị trí, vai trò của người phụ nữ đối với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong diễn ca “Lịch sử nước ta”, Người khẳng định: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Người luôn tự hào: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng... Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”. Nhân kỷ niệm Ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế phụ nữ (8-3-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên, khen ngợi chị em phụ nữ. Cuối thư, Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Người xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Tại Lễ kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Người thấu hiểu sự vất vả, hy sinh thầm lặng của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Không những tham gia kháng chiến mà họ còn phải cáng đáng việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Ruộng nương, vườn tược, nhà cửa, chăm sóc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ... đều đổ dồn lên đôi vai các chị, các mẹ. Ghi nhận cống hiến to lớn của chị em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác đã trao tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng cao quý: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Ngày 9-3-1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, Bác dặn dò phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm chủ của mình: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà...”.

Xuất phát từ vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ, Bác Hồ đã nhiều lần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động, phấn đấu. Khi nói chuyện tại Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (18-1-1967), Bác phê bình sự thiếu sót trong bồi dưỡng cán bộ nữ, Người đánh giá cao vai trò của cán bộ nữ đồng thời yêu cầu phải đấu tranh mạnh với bệnh thành kiến hẹp hòi đối với phụ nữ: “Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai...”.

Làm theo lời Bác, tiếp tục vươn lên

Trong bản “Di chúc” để lại trước lúc đi xa, Người không quên nhắc tới phụ nữ Việt Nam: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Những lời chỉ dạy, quan tâm của Người đối với phụ nữ từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến những lời di chúc để lại trước lúc đi xa, đều thể hiện tình cảm cao quý, lòng yêu mến và đánh giá cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Đó vừa là tình cảm, vừa là di huấn thiêng liêng mà Người dành cho phụ nữ Việt Nam.

Đáp lại niềm tin tưởng và tình cảm trân quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam đã không quản ngại khó khăn vất vả, luôn anh dũng chiến đấu, kề vai sát cánh cùng nam giới trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Tháng 2-1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” (sau đổi tên thành “Ba đảm đang”) với 3 nội dung chính: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm đi chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Phong trào đã lan tỏa sôi nổi, sâu rộng khắp cả nước, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ hòa bình, tái thiết đất nước, chị em phụ nữ đã không ngừng vươn lên khẳng định vị thế của mình. Tỉ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt hơn 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội Các nước Đông Nam Á. Tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 59%. Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể.

Trên thương trường, tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu; nhiều doanh nhân nữ có uy tín, xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhiều phụ nữ đã đoạt giải quốc tế. Các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã trở thành các “sứ giả” của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại... Sự nhạy bén trong nắm bắt cơ hội kinh doanh đã giúp các doanh nhân nữ thuận lợi và có ưu thế được lựa chọn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp được cải tiến, đổi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường hơn. Trong thực tế, có thể thấy sự xuất hiện của nhiều tấm gương doanh nhân nữ thành công trên thương trường, tạo lập được thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng trong khu vực và trên toàn thế giới.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, đảng và chính quyền các cấp đã quan tâm sâu sắc đến phụ nữ. Với những đóng góp bền bỉ, to lớn của các thế hệ, phụ nữ nước ta ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.