Triển vọng lợi nhuận của ngành Ngân hàng: Có đạt mục tiêu cả năm?
Mặc dù không đạt như kỳ vọng, song bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong 9 tháng của năm 2024 được đánh giá là khả quan trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều yếu tố không thuận lợi.
Giới chuyên gia dự báo, các ngân hàng có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận cho cả năm 2024 như đã đặt ra từ đầu năm.
Rục rịch công bố lợi nhuận 9 tháng
Đến thời điểm này, ngân hàng đầu tiên trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước công bố lợi nhuận là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đại diện BIDV cho biết, sau 9 tháng, lợi nhuận thuần dự kiến đạt 36.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng quý III-2024, lợi nhuận của BIDV đạt 11.700 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt 10%, được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất, trong đó cho vay bán lẻ chiếm 44% tổng dư nợ. Trong ngắn hạn, lĩnh vực sản xuất, công nghệ, tài chính xanh và xuất, nhập khẩu là động lực tăng trưởng tín dụng chính của BIDV.
Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) chưa thông tin về lợi nhuận, nhưng tăng trưởng tín dụng đến quý III-2024 đạt 8,75%, được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là phân khúc cho vay chính của VietinBank.
Đối với chất lượng tài sản, VietinBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% trong quý III-2024. Nợ tái cơ cấu chiếm 1,5% tổng dư nợ, chủ yếu từ lĩnh vực bất động sản, xây dựng và dịch vụ. Năm 2024, tổng chi phí dự phòng tín dụng của VietinBank đạt 25.000 tỷ đồng, trong đó đã ghi nhận 15.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Thu nhập từ nợ xấu đã xóa phục hồi mạnh, đạt 5.500 nghìn tỷ đồng (tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023).
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank) công bố kết quả kinh doanh quý III-2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.900 tỷ đồng. Lũy kế lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 8.818 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu đề ra cho năm 2024, LPBank đã hoàn thành 84% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Đây cũng là mức lợi nhuận 9 tháng cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này. Đáng chú ý, thu thuần từ hoạt động dịch vụ của LPBank tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1.016 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, các hoạt động thu dịch vụ mang về cho LPBank 2.701 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MBS, hầu hết các ngân hàng tăng dần lãi suất tiền gửi để đẩy mạnh huy động vốn, trong khi lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Thực tế, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi vẫn chỉ chủ yếu dựa vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự kiến không thể tăng trưởng cao, khi tình hình thị trường chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Duy trì xu hướng tăng
Dự báo về lợi nhuận của cả năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm 2024 và kéo dài sang năm 2025. Tuy nhiên, điều cần lưu ý không chỉ là các con số lợi nhuận ngắn hạn, mà phải xem xét cả tính bền vững của lợi nhuận. Đây là yếu tố quyết định tạo ra sự phân hóa giữa các ngân hàng, phụ thuộc vào tệp khách hàng, chiến lược kinh doanh và khả năng quản trị rủi ro. Việc quản lý tài sản hiệu quả cũng được coi là yếu tố quyết định cho tiềm năng tăng trưởng của các ngân hàng.
Đại diện các ngân hàng đều có chung nhận định, mục tiêu tăng trưởng của hệ thống được đặt ra từ đầu năm 2024 là khả thi. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng cũng cần có những biện pháp linh hoạt hơn để ứng phó với sự biến động của thị trường, đồng thời duy trì sự thận trọng trong các quyết định kinh doanh. Rủi ro từ thị trường quốc tế và các yếu tố nội tại, như thiên tai hoặc biến động kinh tế, vẫn là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến triển vọng lợi nhuận của ngành Ngân hàng trong thời gian tới.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều thuận lợi sẽ giảm bớt áp lực lên chính sách tiền tệ của các quốc gia. Tín dụng vẫn được tập trung vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các dự án giao thông, các dự án liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản... Đối với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão lũ, ngân hàng tiếp tục có chính sách, chương trình hỗ trợ theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành đã tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp. Đồng thời, chính sách tiền tệ được điều hành cởi mở để hỗ trợ nhiều vốn hơn cho nền kinh tế.
Đây chính là yếu tố quan trọng để các chuyên gia lạc quan về triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng trong cả năm 2024 và đầu năm 2025.