Nhiều thủ lĩnh cấp cao của Hamas bị sát hại: Chưa phải “hồi kết” xung đột
Gần 3 tháng sau khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát (ngày 31-7) tại Tehran, mới đây (ngày 16-10), thủ lĩnh Hamas kế nhiệm là Yahya Sinwar cũng đã bị Israel hạ sát tại thành phố Rafah (Dải Gaza), đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc xung đột ở Trung Đông.
Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra thận trọng về những tác động tiềm ẩn của động thái này đối với cục diện khu vực.
Xuất thân từ trại tị nạn Khan Younis (Dải Gaza), ông Yahya Sinwar bị cầm tù ở Israel năm 1989, sau đó được trả tự do cùng với 1.000 tù nhân khác trong một cuộc trao đổi lớn năm 2011. Sau khi trở về Gaza, ông tiếp tục đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của Hamas và được xem là một trong những "kiến trúc sư" kiến tạo cuộc tấn công vào Israel ngày 7-10-2023.
Sau sự kiện này, ông Yahya Sinwar bị Tel Aviv truy lùng gắt gao. Khi người tiền nhiệm Ismail Haniyeh bị ám sát, ông Yahya Sinwar trở thành người đứng đầu Hamas. Ngày 17-10, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) xác nhận, các binh sĩ thuộc Lữ đoàn 828 đã giết chết ông Yahya Sinwar trong một cuộc tấn công vào phía Nam Dải Gaza ngày 16-10.
Dù nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Mỹ và EU cùng một số kênh truyền thông hồ hởi nhận định, cái chết của thủ lĩnh Hamas có thể xem như cơ hội thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ở Gaza, nhưng các nhà quan sát lại cho rằng, sự việc này không làm thay đổi tính toán của Israel, khó tác động lớn tới tình hình khu vực.
Với Israel, các phân tích nhận định, cái chết của ông Sinwar chắc chắn là một sự thúc đẩy về tinh thần, nhất là trong bối cảnh nước này ngày càng hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến các hoạt động ở Gaza và Lebanon.
Chính quyền Tel Aviv coi đây là “một chiến thắng mang tính biểu tượng” khi truy lùng thành công người được coi là chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ngày 7-10-2023, qua đó xoa dịu các mâu thuẫn trong nước.
Về mặt chiến thuật, Tel Aviv hiển nhiên đã loại bỏ thêm một kẻ thù đáng gờm, qua đó củng cố sự “hợp lý” của cách tiếp cận cứng rắn và quyết liệt trong khu vực.
Nhưng liều “thuốc giảm đau” nói trên không giúp chính quyền đương nhiệm của Israel giải quyết được những vấn đề quan trọng hơn. Nhà nước Do thái đang chiến đấu trong một cuộc chiến đa mặt trận mà chưa có hồi kết, khiến nền kinh tế gặp khó khăn và sự gắn kết nội bộ tiếp tục rạn nứt.
Đối với Hamas, vụ sát hại ông Yahya Sinwar chắc chắn là đòn giáng mạnh vào bộ máy lãnh đạo và sự ổn định nội bộ. Tuy nhiên, lối đi của phong trào này sẽ không lung lay, bởi quá trình ra các quyết định của Hamas không tập trung vào cá nhân cụ thể và vẫn có các gương mặt thay thế đủ năng lực.
Nói cách khác, quan điểm cốt lõi và cách tiếp cận của Hamas trên thực địa cũng như trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về ngừng bắn và vấn đề con tin khó có thể thay đổi. Phong trào này vẫn đang tìm cách chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh với một kịch bản mà Israel không chấp nhận. Dĩ nhiên, năng lực quân sự của Hamas suy giảm nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công của Israel và họ không còn kiểm soát Gaza như trước. Nhưng thực tế này không đồng nghĩa với việc phong trào của họ suy yếu. Các hành động ám sát mà Israel tiến hành lâu nay luôn dẫn đến sự trả thù của Hamas và các tổ chức Palestine khác.
Trong khi đó, Israel cũng thể hiện rõ không có ý định chấm dứt hoạt động tấn công sau cái chết của ông Sinwar. Việc thủ tiêu các nhà lãnh đạo Hamas luôn nằm trong kế hoạch của Israel nhiều thập kỷ qua.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mặc dù cho rằng việc thủ lĩnh Hamas bị sát hại là điểm "khởi đầu của sự kết thúc" nhưng nhấn mạnh "nhiệm vụ trước mắt vẫn chưa hoàn thành". Nói cách khác, Tel Aviv chưa từ bỏ cơ hội vẽ lại bản đồ địa chính trị khu vực. Các hoạt động của họ ở Gaza và miền Nam Lebanon sẽ còn tiếp tục.
Tựu trung, việc săn lùng các nhà lãnh đạo Palestine không thể giải quyết được cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài 76 năm nay. Đây là xung đột có nguồn gốc sâu xa, liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, vấn đề độc lập và quyền tự quyết. Viễn cảnh bạo lực cho thấy hàng triệu người Palestine ở Gaza, người dân Lebanon… vẫn sẽ chịu cảnh đói nghèo và vô vàn hiểm họa.
Ngày 19-10, một máy bay không người lái (UAV) của lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã tấn công vào nhà riêng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Văn phòng Thủ tướng Israel đã ra thông báo chính thức xác nhận vụ việc. Vụ tấn công không gây ra bất kỳ thương vong nào.
Phương Chi