Nghệ thuật múa Việt Nam đương đại: Tìm về yếu tố truyền thống, dân tộc
Gần đây, nghệ thuật múa Việt Nam có nhiều tác phẩm khai thác tốt chất liệu truyền thống, dân tộc, tạo được tiếng vang. Đây là một xu hướng sáng tác đáng khích lệ, bởi vừa tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới, vừa gìn giữ và tôn vinh yếu tố truyền thống, dân tộc.
Sáng tạo làm giàu vốn dân tộc
Tác phẩm múa “SESAN” công diễn thành công trong đêm khai mạc Tuần lễ múa Việt Nam 2024 do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức tại Kon Tum (từ ngày 10 đến 15-10). Vở diễn do biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn. Nhạc sĩ Chinh Ba và các nhạc sĩ, nghệ sĩ đương đại quốc tế Yama Lou Apoukashi (Nhật Bản), Tillman Per Martin Oscar (Thụy Điển) đảm nhận phần âm nhạc. Trong 60 phút, “SESAN” đưa khán giả thăng hoa trong không gian nghệ thuật được kết nối theo 5 cảnh “Mạch nguồn”, “Lửa thiêng”, “Yaly”, “Lời ru của rừng”, “Theo ánh mặt trời”. Vở diễn làm nổi bật vẻ đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ cùng những nét văn hóa đặc sắc của vùng rừng núi Tây Nguyên, đồng thời khắc họa sự giao thoa văn hóa cũng như gắn kết cộng đồng của các dân tộc bản địa sinh sống dọc theo dòng sông Sê San.
Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ, “SESAN” được dựng theo phương pháp sáng tạo tương tác và ngẫu hứng. Múa đương đại được kết hợp với múa của các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, B’râu, Rơ Măm và tương tác với không gian nhà rông Kon Klor. Phương pháp này tôn vinh cảm xúc và sự thăng hoa trong nghệ thuật biểu diễn, ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của khán giả trong, ngoài nước.
Tác phẩm thơ múa “Nàng Mây” của biên đạo múa Nguyễn Hải Trường (Học viện Múa Việt Nam) vừa giành giải Vàng tại Liên hoan Múa quốc tế năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, cũng khai thác yếu tố truyền thống là nghề mây tre đan. Với ngôn ngữ múa dân gian kết hợp với múa đương đại, cùng với đạo cụ từ chất liệu mây tre đan, tác phẩm đem đến những tạo hình đặc sắc, ấn tượng và gợi nhiều tò mò về nghề truyền thống Việt Nam.
Trước đó, vở ballet “Dó” của Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương và biên đạo múa Vũ Ngọc Khải lấy cảm hứng từ chất liệu giấy dó, kết hợp với âm nhạc cổ điển và ballet phương Tây cũng tạo nên tác phẩm độc đáo của nghệ thuật múa. Ngoài ra, nhiều tác phẩm tìm về khai thác yếu tố truyền thống, dân tộc đã đạt được thành công, như kịch múa “Nguồn sáng” (Phạm Anh Phương), tổ khúc múa “Đông Hồ” (Nguyễn Ngọc Anh), “Dệt lanh” (Kiều Lê), “Ngô trên đá” (Nguyễn Minh Thông), “Vòng quay thuyền thúng” (Nguyễn Hữu Từ), “Mẹ mặt trời” (Trần Xuân Thanh)…
Nghệ sĩ nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nhận xét, nghệ thuật múa Việt Nam hiện nay có sự giao thoa giữa yếu tố dân tộc và yếu tố hiện đại. Hai yếu tố này là hiện thân của giá trị bản sắc văn hóa và tính thời đại. Sự tích hợp hai yếu tố trong một tác phẩm đưa nghệ thuật múa Việt hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật nhân loại, đồng thời làm giàu vốn truyền thống dân tộc.
Góp phần phát triển công nghiệp văn hóa
Sau thành công của “Nàng Mây”, biên đạo múa Nguyễn Hải Trường không giấu ý định kết hợp với các đơn vị đưa vở múa biểu diễn thường xuyên phục vụ khách du lịch. Theo biên đạo trẻ này, qua thực tế hoạt động, các tác phẩm múa khai thác yếu tố truyền thống được dàn dựng công phu, hiện đại đang rất được ưa chuộng, không chỉ với du khách quốc tế mà cả khán giả trẻ nước nhà. Ở vở múa “Nàng Mây”, nhiều khán giả đã nán lại muốn được tìm hiểu về nghề mây tre đan Việt Nam và còn ngỏ lời mua những thanh mây hoặc đạo cụ biểu diễn làm kỷ niệm. “Đây chính là yếu tố thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa”, biên đạo múa Nguyễn Hải Trường nhận định.
Có thể nói, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn trong việc khai thác những chất liệu truyền thống, dân tộc. Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Quang, nguyên Giám đốc Học viện Múa Việt Nam nhận định, có một lực lượng biên đạo trẻ đã và đang tiếp bước các thế đi trước sáng tạo những tác phẩm múa chất lượng, có giá trị, có tầm nhìn. Họ tiếp cận được làn sóng mới, đưa chất liệu múa các dân tộc trở thành những chuyển động múa phù hợp, khiến tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đương đại, nhưng không mất đi bản sắc, phong cách, tâm hồn.
Khẳng định bản sắc dân tộc là cốt lõi của sáng tạo, giảng viên Học viện Múa Việt Nam Hà Thái Sơn cho rằng, để khai thác hiệu quả yếu tố truyền thống, dân tộc trong múa đương đại, nghệ sĩ phải đào sâu nghiên cứu sáng tạo để tác phẩm vừa giữ nguyên bản sắc văn hóa, vừa dễ tiếp cận với người xem hiện đại. Nội dung tác phẩm có thể phản ánh những câu chuyện truyền thống, lễ hội văn hóa, phong tục, tập quán dân tộc, hoặc các nhân vật lịch sử… Để thu hút khán giả, các tác phẩm múa như vậy cần được biểu diễn với phong cách và dàn dựng hấp dẫn, kết hợp công nghệ ánh sáng, âm thanh và các kỹ thuật sân khấu tiên tiến. Còn các cơ quan quản lý và hội nghề nghiệp cần có chính sách bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa truyền thống; số hóa di sản múa dân gian, dân tộc; đẩy mạnh quảng bá…
Là người khởi xướng tổ chức Tuần lễ múa Việt Nam - Vietnam Dance Week - sự kiện thường niên lớn nhất ngành múa Việt Nam, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho rằng, việc tổ chức những sự kiện múa lớn tại các địa phương sẽ tạo sự kết nối giữa nghệ thuật - văn hóa - du lịch, thúc đẩy sự giao lưu giữa nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, nghệ thuật múa cộng đồng các dân tộc nói riêng với nghệ thuật chuyển động trong khu vực và quốc tế, từ đó mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật múa, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.