Giáo dục

Ủng hộ việc cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học

Thống Nhất 19/10/2024 11:00

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ban hành quy định học sinh không được sử dụng điện thoại trong lớp học. Quy định chính thức áp dụng từ ngày 11-10 tại các trường học trên toàn thành phố.

Cho đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đầu tiên quyết liệt với việc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Thực tế, quy định này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào điều lệ trường học từ năm 2020 nhưng việc triển khai chưa đồng bộ, thống nhất.

Ủng hộ quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, giáo viên và phụ huynh học sinh đã chia sẻ kinh nghiệm và nêu ý kiến đề xuất với mong muốn chung sức cùng nhà trường giảm các nguy cơ gây ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân Vũ Đình Hà:
Ý thức sử dụng điện thoại chuyển biến tích cực

mr-vu-dinh-ha.jpg
Ông Vũ Đình Hà.

Tôi ủng hộ chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường nhằm chấn chỉnh những bất cập, tồn tại từ việc học sinh thiếu ý thức trong sử dụng điện thoại di động. Khi được áp dụng đồng loạt tại tất cả các trường, tôi tin rằng các sự việc xích mích liên quan đến ứng xử trên mạng xã hội sẽ giảm, ý thức của học sinh trong việc sử dụng điện thoại di động sẽ có chuyển biến tích cực hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cả về mặt hạnh kiểm và học tập.

Quy định học sinh không dùng điện thoại trong giờ học đã được áp dụng tại các lớp từ vài năm nay với sự ủng hộ, đồng thuận cao của phụ huynh cũng như ý thức chấp hành nghiêm túc của gần 2.000 học sinh. Trước giờ học, học sinh để điện thoại vào một chiếc hộp được quản lý chặt chẽ. Thực tế cho thấy, học sinh có nhiều chuyển biến về ý thức chấp hành quy định chung và tự giác hơn trong việc học tập.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng:
Nhiều cách để học sinh và phụ huynh liên lạc

ms-pham-thi-le-hang.jpg
Bà Phạm Thị Lệ Hằng.

Ở cấp tiểu học, việc quản lý, hỗ trợ các em cơ bản thuận tiện do các em học 2 buổi/ngày, giáo viên ở trường cả ngày. Tuy nhiên, với cấp trung học cơ sở, nhiều gia đình trang bị cho con điện thoại thông minh để vừa tiện đưa - đón hoặc phục vụ học tập.

Để tránh việc các em mất tập trung khi có tin nhắn, điện thoại liên lạc đến trong giờ học, nhà trường thường bố trí các ô tủ để học sinh cất điện thoại và nhận lại khi hết giờ. Việc này đã trở thành nếp, giúp học sinh có thói quen sử dụng điện thoại đúng mục đích, theo quy định.

Giải tỏa băn khoăn của các bậc phụ huynh về việc làm thế nào để liên lạc khi các con ở trường, nhất là khi gia đình có việc cấp thiết cần đón, các nhà trường đều quy định giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm duy trì liên lạc với gia đình trong thời gian học sinh học tập tại trường. Khi cần thiết, phụ huynh có thể gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm. Các nhà trường không bắt buộc học sinh phải có điện thoại di động để học tập.

Phụ huynh học sinh lớp 7A2, Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Cúc:
Cần kiểm tra, giám sát để tránh nơi làm, nơi buông

ms-nguyen-thi-cuc.jpg
Bà Nguyễn Thị Cúc.

Với học sinh nhỏ tuổi, gia đình thường chỉ trang bị điện thoại phổ thông cho con để phục vụ đưa, đón hoặc đề phòng bất trắc cần hỗ trợ. Còn với học sinh trung học, cha mẹ trang bị điện thoại thông minh cho các con nhằm hỗ trợ học tập hoặc để các con tự đặt phương tiện di chuyển về nhà.

Tôi ủng hộ việc các nhà trường áp dụng quy định không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học khi không phục vụ việc học tập và không được phép của giáo viên. Đại diện ban phụ huynh học sinh của lớp đang tìm hiểu để lựa chọn loại tủ lưu giữ điện thoại của các con tại trường, dự kiến phương án thuận lợi và nhanh gọn giúp học sinh nhận lại điện thoại kịp thời khi tan học để bố mẹ đón hoặc các con tự đặt phương tiện di chuyển.

Tuy nhiên, để tránh nơi làm, nơi buông và để việc sử dụng điện thoại di động của học sinh tại trường học đi vào nền nếp, hạn chế việc sử dụng sai mục đích, đề nghị cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát.