Y tế

Quản lý chặt giá thuốc nhằm bình ổn thị trường

Thu Trang 19/10/2024 13:35

Nguyên tắc quản lý giá thuốc phải bảo đảm theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định pháp luật. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và Nhà nước.

Ngày 19-10, tại Hà Nội, Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số”.

hoi-thao-ngay-19-10.jpg
Quang cảnh hội thảo ngày 19-10. Ảnh: Thu Trang

Hội thảo có sự tham gia của 80 đại biểu đến từ Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược, Bộ Công Thương, các chuyên gia ngành dược, chuyên gia về tin học y tế, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối dược, các nhà thuốc và người tiêu dùng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận xoay quanh chủ đề về sửa đổi bổ sung Luật Dược, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, đơn thuốc điện tử, bình ổn giá thuốc, bán thuốc trên nền tảng trực tuyến…

Đề cập đến dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược 2016, ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - hội nhập, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho rằng, một trong những điểm nhấn của dự thảo sửa đổi luật lần này là quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và bảo đảm tính đặc thù của Luật Dược.

Theo đó, nguyên tắc quản lý giá thuốc phải bảo đảm theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định pháp luật. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và Nhà nước.

Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi vẫn sẽ giữ nguyên quy định về “kê khai giá thuốc trước khi lưu hành” và đổi thuật ngữ “kê khai giá” thành “công bố giá”.

Mục tiêu về công bố giá là công khai giá dự kiến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, để các cơ sở kinh doanh không bán vượt quá giá mà cơ sở sản xuất, nhập khẩu công bố giá dự kiến.

Cũng đề cập đến vấn đề quản lý giá thuốc, theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là vấn đề cực kỳ khó khăn trong thực thi, cũng là vấn đề được dư luận, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nóng lòng chờ đợi sẽ được điều chỉnh trong dự thảo Luật.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm, trước đây, với bán lẻ thuốc, chúng ta không có khái niệm kê khai giá bán lẻ nhưng trong dự luật mới sẽ cần quy định việc các cơ sở phải kê khai giá bán lẻ với cơ quan quản lý trên địa bàn và niêm yết giá trên sản phẩm.

Ông Phan Công Chiến, Trường phòng Quản lý dược, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông tin, tại Điều 2 trong Dự thảo Luật Dược sửa đổi, vấn đề cơ sở dữ liệu dược quốc gia được ban soạn thảo luật đề xuất và nhận được sự đồng tình lớn từ phía các đại biểu Quốc hội. Từ dữ liệu dược quốc gia này, cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra những cảnh báo nhanh chóng đến các cơ sở kinh doanh thuốc, bán thuốc cũng như ra các quyết định thu hồi, tạm dừng thuốc…