''Giọt thơ rơi xuống nỗi mình...''
Sách - Ngày đăng : 21:51, 06/11/2022
Ở chùm thơ đoạt giải của ông trong cuộc thi này, tôi nhớ và ấn tượng nhất với 2 cặp lục bát tài hoa, nhiều ngẫm ngợi trong “Nợ” và “Hỏi Tễu”: “Nỗi buồn đổ xuống bóng mình/ Nợ em suốt một hành trình dài lâu”, và “Sàn đời một mớ cũ mèm/ Còn mượn sàn diễn mà đem ra đùa”. Viết về nỗi buồn, sự nợ và viết về hình tượng chú Tễu như thế, thật cũng đáng để ngẫm ngợi.
Đến tuổi bát thập, thơ Trần Chính ngày một khác lạ theo cách của mình và “lượng” càng ngày càng biến đổi thành “chất”, kéo theo “chất”, tựa như không có cái này thì không có cái kia vậy. Ông lấy sự từng trải cụ thể, qua những ý tứ cụ thể xâu chuỗi chúng, đan cài chúng lại, mà viết. Ông như hướng vào chính cuộc đời mình, mà viết.
Trong “Một vầng trăng khác” (NXB Hội Nhà văn 2022), ông lặng lẽ và bình thản một cách có bản lĩnh khi đi trên “con đường người” để “tự thương mình”, để “lấy khổ làm vui”. Phải là người chấp nhận đời sống, coi đời sống như những thử thách và trong lòng luôn quan niệm: Cuộc sống vốn dĩ không có gì ở ngoài bản thân mỗi người, Trần Chính mới nghĩ được, làm được như vậy.
Chùm thơ mở đầu và chùm thơ kết thúc tập thơ này với “Trả lại đời” và “Cuộc chơi” của ông là một vệt thơ mang tinh thần của “Một vầng trăng khác”. Ông nhận ra bản chất, quy luật của đời sống và chỉ ra cái bản chất ấy, quy luật ấy: “Bon chen, giả dối, lọc lừa/ Vàng thau lẫn lộn chẳng chừa ai ra”. Ông coi cõi đời này như một cuộc chơi có luật của riêng nó và cũng có cái khó của riêng nó: “Đời ông rồi đến đời con/ Mấy ai nhập cuộc cho tròn cuộc chơi”.
Theo tôi, “Vàng thau lẫn lộn chẳng chừa ai ra” và “Mấy ai nhập cuộc cho tròn cuộc chơi” là hai câu thơ thật chí lý, sâu sắc. Và chắc chắn, người sở hữu chúng cũng là người chí lý và sâu sắc.
Nhưng, Trần Chính không chỉ có thế! Trong tập thơ này, Trần Chính còn nhiều câu thơ, bài thơ đáng nhớ nữa. Đó là “Cuộc đời chìm - nổi - nổi - chìm/ Đầu ghềnh cuối thác ta tìm thấy nhau” trong “Lời ru bao giờ”. Đó là “Thế thì thôi, đến thế thôi/ Hư danh quyền chức cuộc chơi ô dù” trong “Ngẫm cảm”. Đó là “Giọt thơ rơi xuống nỗi mình/ Còn ai trong cõi vô hình ru ta” trong “Giọt thơ”... Trong cuộc đời, sự xuống lên, lên xuống là khó tránh khỏi, nhưng phải đi đến tận cùng mới có thể hiểu nhau, biết nhau. Cuộc đời, xét cho cùng chỉ là những cuộc chơi, có khi chỉ chạy quẩn chạy quanh không đầu không cuối. Để cái ảo (“giọt thơ”) rơi xuống cái thật (“nỗi mình”), mong gặp một người ở cõi vô hình đặng được sẻ chia, cứu rỗi... là một ý tưởng lạ. Đó là những tổng kết, đúc rút giàu trải nghiệm của một cá nhân. Đó là những câu thơ nặng lòng, nhiều tâm sự và cũng thật thân phận.
Những câu thơ trích dẫn ở trên hoàn toàn là thơ trên sáu dưới tám. Điều đó cho thấy nhà thơ Trần Chính có sở trường về thơ lục bát. Trong các thể thơ, lục bát là thể thơ khó viết, nếu không cẩn thận, người viết sẽ chạy theo vần và bị hình thức chi phối, dẫn dắt, khi đó nội dung sẽ trở nên nghèo nàn về mặt ý tứ.
Xa xưa, học giả Phan Kế Bính quan niệm: “Với một người làm thơ, quan trọng là tính tình, tư tưởng và khả năng sử dụng, trau dồi ngôn từ”. Ở đây, tính tình là cá tính sáng tạo; tư tưởng là sức nặng, giá trị đích thực của thơ; khả năng sử dụng, trau dồi ngôn từ là nghề thơ. Nhưng trên thực tế, ngoài mấy yếu tố trên, thơ còn cần một yếu tố nữa - quan trọng hơn, ấy là yếu tố trời cho. Nếu không, câu hỏi “thơ từ đâu đến?” sẽ mãi là một câu hỏi rất khó trả lời, rất khó lý giải. Cảm giác, ở nhiều câu thơ, nhà thơ Trần Chính của chúng ta đã may mắn nhặt được một ít lộc rơi, lộc vãi tự trời trong những khoảnh khắc hiếm hoi mà nhiều người hằng ước ao, thèm muốn.
Tôi nhận ra có một thứ ánh sáng rất lạ từ “Một vầng trăng khác”.