Xã hội

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024): Phụ nữ Thủ đô viết tiếp những trang sử vẻ vang

Ðình Nguyên 19/10/2024 - 07:09

Kể từ ngày Hà Nội được giải phóng đến nay, suốt chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, phụ nữ Thủ đô đã có những đóng góp nổi bật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những phong trào có dấu ấn đặc biệt là “Ba đảm đang”.

Từ phong trào này, phụ nữ Thủ đô đã khẳng định được vị thế của mình trên mọi ngành, lĩnh vực. Nhiều chị em đã vươn lên trở thành nhà khoa học, nhà quản lý, nữ doanh nghiệp năng động, sáng tạo.

phu-nu-1.jpg
Phụ nữ Hà Nội trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024). Ảnh: Viết Thành

Tiếp nối truyền thống tự hào

Tôi từng có không ít lần đi trên quốc lộ 32, qua tượng đài “Phụ nữ ba đảm đang” kiêu hãnh đặt tại huyện Đan Phượng. Cũng có khi lại nhẩn nha nghe đi nghe lại bài hát “Bài ca Hà Nội” được nhạc sĩ Vũ Thanh sáng tác trong những năm tháng Hà Nội bị đánh bom, cả Thủ đô hừng hực khí thế chiến đấu. Thời kỳ mà những cô gái “súng trên vai sao vuông đầu mũ/ Em đi về đâu mà mắt em tươi sáng/ Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang...”. Tất thảy dường như nhắc tôi về hình ảnh những người phụ nữ đảm đang “chắc tay súng, vững tay cày” thuở nào.

Phong trào “Ba đảm đang” được khởi nguồn từ chính Hà Nội. Tháng 2-1965, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở hầu khắp miền Bắc. Thời điểm ấy, đáp lại từng đợt bắn phá điên cuồng của giặc Mỹ là khí thế sục sôi toàn dân đánh giặc với những phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, phong trào “Ba điểm cao” của cán bộ, công nhân viên chức, “Ba quyết tâm của trí thức”... Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Tây trước đây, nay là Hà Nội) cũng phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”. Phong trào của chị em phụ nữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, Người đã chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang” cho đúng với phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong gian khó. Từ đây, hình ảnh những người phụ nữ “tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng”, hay khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... đã ra đời như một minh chứng rõ nét cho tinh thần vừa sản xuất, vừa chiến đấu.

Bà Vũ Thị Phượng (68 tuổi), trú tại Giang Biên, quận Long Biên, chia sẻ, bà quê gốc Đan Phượng. Bản thân bà cũng là nhân chứng sống, trải qua giai đoạn Hà Nội sục sôi chống Mỹ, hăng hái tham gia phong trào “Ba đảm đang”. Bà bảo, ngày ấy, phong trào phụ nữ huyện Đan Phượng phát triển sôi nổi, được đưa tin trên báo Nhân Dân và sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam như một nhân tố mới của phong trào phụ nữ miền Bắc lúc đó. Huyện Đan Phượng còn được đồng bào và chiến sĩ cả nước biết đến với tên gọi “Quê hương người gái đảm”.

Nỗ lực đưa Thủ đô phát triển

Kế thừa tinh thần “Ba đảm đang”, ngày nay, cán bộ, hội viên, phụ nữ Thủ đô không ngừng phấn đấu, rèn luyện, thể hiện phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, đóng góp tích cực, trách nhiệm, nhiệt huyết vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bình đẳng giới.

Theo Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, tính chung giai đoạn 2022 - 2024, các đơn vị, cơ sở trực thuộc Hội đã tổ chức 385 buổi tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, phối hợp tổ chức 162 buổi tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng cháy và chữa cháy... cho 31.720 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ. Trong giai đoạn 2022 - 2024, đã có 3.367 tập thể, 7.514 cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực được các cấp Hội biểu dương, khen khưởng; 2.462 gương điển hình tiên tiến được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, với ngành Giao thông Vận tải Thủ đô, dù là một trong những ngành nặng nhọc, tưởng chừng như chỉ có nam giới tham gia nhưng không phải vậy. Bà Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện Công đoàn ngành quản lý 5.316 đoàn viên, trong đó có 1.037 đoàn viên nữ. Và, dù công tác ở lĩnh vực duy tu, sửa chữa cầu đường hay đảm nhận công việc hành chính, văn phòng..., các đoàn viên nữ đều nỗ lực vượt khó, chủ động, sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời là hậu phương vững chắc, đảm đang thu vén, chăm lo việc gia đình.

Theo thống kê từ Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây, hiện đơn vị quản lý 7.538 đoàn viên, trong đó có 4.985 đoàn viên nữ (chiếm tỷ lệ 65,6%). Trong đó, tính riêng năm 2023, thị xã có 912 nữ công nhân, viên chức, lao động được nhận bằng khen, giấy khen của các cấp, 186 hội viên phụ nữ đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, 65 hội viên phụ nữ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 975 hội viên đạt đạt danh hiệu “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” cấp cơ sở và cấp trên cơ sở...

Bối cảnh hội nhập hiện nay với nhiều cơ hội và thách thức đan xen đã đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phong trào “Ba đảm đang” cần được tiếp cận với nội hàm mới phù hợp với thời kỳ mới. Nói cách khác, phụ nữ ngày nay đảm đang trong sản xuất phải gắn với tri thức, với tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp... Trong thực tế, không ít tấm gương phụ nữ tiêu biểu đã ra đời, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô, như chị Ngô Thị Hường, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Vân, xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức). Tại địa phương, chị Hường đã đề xuất kế hoạch xây dựng các tuyến đường nở hoa trên địa bàn để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, chị còn vận động chị em phát huy hiệu quả mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu, tất cả số tiền thu được đều được dùng vào các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù công việc xã hội chiếm rất nhiều thời gian nhưng chị Hường vẫn chu tất công việc gia đình, nỗ lực nuôi dạy con cái chăm ngoan, khỏe mạnh.

Tương tự, cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Tiến B (huyện Phú Xuyên) luôn được đồng nghiệp và những người xung quanh đánh giá cao về tinh thần nhiệt huyết với công việc, có trình độ chuyên môn vững vàng. Để nâng cao chất lượng dạy và học trong trường, cô giáo Nguyễn Thị Quyên đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của năm học, chủ động xây dựng kế hoạch xuyên suốt theo từng năm, từng tháng, từng tuần và chỉ đạo tổ chuyên môn cũng như giáo viên nghiêm túc thực hiện giảng dạy, thao giảng, chuyên đề. Đồng thời, cô góp phần đẩy mạnh các hoạt động học tập bồi dưỡng thường xuyên, sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn trong từng tiết học, qua đó thúc đẩy các giáo viên tích cực nghiên cứu xây dựng bài giảng tốt nhất, học sinh thích thú tham gia các hoạt động của nhà trường. Ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Quyên còn là người vợ đảm, người mẹ mẫu mực trong gia đình. Nhiều năm liền gia đình cô Quyên được công nhận “Gia đình văn hóa”...

Từ phong trào “Ba đảm đang” được “tiếp lửa” và nhân rộng suốt những năm qua, có thể thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phụ nữ Thủ đô cũng luôn giữ vững truyền thống “Ba đảm đang” của các thế hệ đi trước, đồng thời viết tiếp những trang vàng vẻ vang trong truyền thống của phụ nữ Việt Nam.