Truyền thông về an toàn thực phẩm: Góp phần thay đổi nhận thức của người dân
Thời gian qua, để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật An toàn thực phẩm, cách sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc có xuất xứ rõ ràng. Công tác này đã góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, giúp người dân có ý thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Phổ biến văn bản pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm
Phó Trưởng phòng Y tế huyện Mê Linh Hạ Thị Hương cho biết, trên địa bàn huyện có tổng số 2.367 cơ sở thực phẩm, trong đó lĩnh vực y tế có 811 cơ sở, lĩnh vực nông nghiệp có 832 cơ sở và lĩnh vực công thương có hơn 700 cơ sở. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 1 siêu thị, 16 cửa hàng tiện ích, 8 chợ với tổng số 6.654 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ. Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Theo đó, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân, cơ sở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Toàn huyện tổ chức 33 buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề với 3.500 người tham dự, treo hơn 200 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trên các trục đường lớn và khu dân cư…
Còn với thị xã Sơn Tây, xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về bảo đảm an toàn thực phẩm, Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn cho biết, các phòng, ban, ngành chức năng của thị xã và các xã, phường đã tổ chức tuyên truyền về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh tuyên truyền trong các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, thị xã tổ chức rất nhiều hội thảo, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các xã, phường, đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể trên địa bàn thị xã…
“Nội dung tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và kiến thức thực hành về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Hướng dẫn người tiêu dùng kiến thức, thực hành trong lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; tuyên truyền các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, cảnh báo sản phẩm thực phẩm không an toàn; tổ chức các chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm tại các đợt cao điểm trong năm: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu; tập huấn kiến thức, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm từ tuyến thị xã đến các xã, phường”, ông Phạm Hùng Sơn cho biết thêm.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Cùng với các địa phương khác, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, công tác truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn quận được đẩy mạnh, triển khai với nhiều hình thức, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hình thành thói quen tốt về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thay đổi, sự xuất hiện của loại hình kinh doanh thực phẩm mới (kinh doanh thực phẩm online, cung cấp đồ ăn tự nấu đến tận nhà) gây khó khăn trong công tác cập nhật, quản lý hoạt động của các cơ sở… Do đó, quận đã kiến nghị các sở, ngành thành phố tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công tác an toàn thực phẩm tại tuyến quận, phường. Thời gian tới, quận tiếp tục phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của phường quy định về an toàn thực phẩm, Luật An toàn thực phẩm, phát tờ rơi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng, do đó, các địa phương cần đa dạng hình thức tuyên truyền thông qua các loại hình thông tin cơ sở (đài truyền thanh, tuyên truyền viên, báo cáo viên thông tin cơ sở, bảng tin công cộng, bảng tin điện tử, tờ rơi...) về công tác an toàn thực phẩm của địa phương, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong quá trình triển khai thực hiện; lan tỏa những thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay trên trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội Zalo, Facebook…
Các đơn vị tuyên truyền, phổ biến thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm về quy định, kiến thức, kỹ năng thực hành về an toàn thực phẩm; tuyên truyền cổ động trực quan bằng các hình thức pa nô, tranh cổ động, băng rôn… truyền tải thông điệp an toàn thực phẩm tại các lễ hội, điểm tập trung đông người, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao gây mất an toàn, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó có hướng xử lý nghiêm cơ sở vi phạm và kịp thời cảnh báo an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.