Hội thảo về phương án di dời di chỉ khảo cổ Vườn Chuối
Ngày 18-10, UBND huyện Hoài Đức tổ chức hội thảo để báo cáo về phương án di dời di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, nằm trong phạm vi dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh đã nhấn mạnh giá trị lịch sử và văn hóa của di chỉ Vườn Chuối, thuộc xã Kim Chung. Đây là một trong những di tích khảo cổ quan trọng được phát hiện vào năm 1969, có nhiều giá trị về giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn - Đông Sơn, thể hiện sự phát triển liên tục qua nhiều thế kỷ của thời kỳ Kim khí ở Hà Nội và miền Bắc Việt Nam.
Theo đánh giá, diện tích phân bố di tích ở gò Vườn Chuối là 12.000m2, trong đó 1/2 diện tích phía Đông di tích nằm trong phạm vi công viên của Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch và 1/2 diện tích còn lại ở phía Tây di tích nằm trong phạm vi đường Vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội.
Trước tình hình này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố phương án bảo tồn 6.000m² diện tích phía Đông của di chỉ để làm Công viên di sản văn hóa, còn phần diện tích phía Tây, nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai 3,5 sẽ được khai quật và di dời. Sau quá trình tham khảo và nhận được sự ủng hộ từ các nhà nghiên cứu, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chấp thuận phương án này.
Từ tháng 3-2024, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hà Nội và Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu tiến hành khai quật tại khu vực này. Theo kế hoạch, quá trình khai quật sẽ bao gồm việc di dời các di tích và di vật khảo cổ để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, đại diện đơn vị chủ trì khai quật cho biết, kế hoạch di dời các di tích và di vật đã được xây dựng chi tiết. Đối với những di tích mộ táng còn khả năng nghiên cứu, di cốt sẽ được đóng gói và chuyển vào kho tạm để tiếp tục nghiên cứu các khía cạnh nhân chủng học, chế độ dinh dưỡng và bệnh lý của người thời xưa...
Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng đã thảo luận, nhằm hoàn thiện phương án di dời di tích. Viện Khảo cổ học cũng đề nghị UBND huyện Hoài Đức và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện xem xét phê duyệt kinh phí bổ sung cho công tác xây dựng khu mồ mả và hoàn táng các di cốt, cũng như kinh phí cho việc di dời các di tích tại các khu vực đã khai quật từ năm 2019.
Ngoài ra, Viện cũng kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt kế hoạch chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản và lập hồ sơ khoa học cho các di vật khai quật. Đồng thời, đề nghị thành phố đẩy nhanh việc công nhận di chỉ Vườn Chuối là di tích cấp thành phố để có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Các ý kiến đóng góp từ hội thảo đều nhấn mạnh việc khai quật tại Vườn Chuối không chỉ giúp giải phóng mặt bằng cho Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5, mà còn cung cấp nhiều tư liệu quý giá cho công tác nghiên cứu lịch sử Vùng đồng bằng sông Hồng. Những di vật và thông tin thu thập được sẽ giúp làm sáng tỏ hơn về thời kỳ tiền - sơ sử và sự phát triển văn hóa của khu vực này, góp phần vào việc giáo dục và quảng bá lịch sử.