Báo Đảng - “cầu nối” thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương
Thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa 26 báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2023 tại tỉnh Vĩnh Phúc, sáng 18-10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Báo Bắc Giang đăng cai tổ chức hội thảo với chủ đề “Báo Đảng tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Dự hội thảo có các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các địa phương và cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cùng gần 400 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên 26 cơ quan báo Đảng khu vực phía Bắc, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số cơ quan báo chí ở Trung ương, các tỉnh miền Trung và phía Nam.
Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả
Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam đã có phát biểu chỉ đạo, khẳng định, việc Báo Bắc Giang đăng cai tổ chức hội thảo với chủ đề “Báo Đảng địa phương tuyên truyền thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế” với các nội dung thiết thực và thời sự đã thể hiện trách nhiệm của cơ quan báo Đảng đối với chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia, khu vực và của tỉnh nhà.
Thời gian qua, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, song thu hút đầu tư của Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài có thành tựu lớn, đưa đầu tư nước ngoài trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có 25 tỉnh, thành phố phía Bắc, đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô vốn và chất lượng dự án; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước.
Trong kết quả chung đó, không chỉ Báo Bắc Giang, mà các cơ quan báo Đảng địa phương khu vực phía Bắc đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền thu hút đầu tư, đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi mong muốn các lãnh đạo cơ quan báo Đảng tham dự hội thảo chia sẻ những kinh nghiệm quý, những cách làm hay, chung sức, đồng lòng, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, nhất là trong thu hút đầu tư. Để đạt được tiêu chí trên, cơ quan báo Đảng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo, trong đó tập trung vào công tác đào tạo, đổi mới, ứng dụng công nghệ mới.
Nhận thức rõ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và các địa phương, trong phát biểu gợi mở nội dung thảo luận, đồng chí Trịnh Văn Ánh, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang nhấn mạnh, 25 tỉnh, thành phố phía Bắc chiếm hơn 40% dân số cả nước, là khu vực có vị trí địa lý hết sức quan trọng, bao gồm 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng; 2 vùng kinh tế - xã hội là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2024, dù còn những khó khăn nhất định nhưng tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc vẫn duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước.
Đồng chí Trịnh Văn Ánh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung chính như phân tích, đánh giá vai trò, vị thế của báo Đảng địa phương; những ưu điểm, hạn chế trong tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là áp dụng công nghệ làm báo hiện đại trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số báo chí đang diễn ra mạnh mẽ. Đánh giá những điểm mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức nội dung, kết cấu các chuyên trang, chuyên mục, đợt, tuyến tuyên truyền các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan báo Đảng địa phương đề xuất giải pháp, cách làm mới nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần vào thành quả phát triển chung của địa phương.
Tập trung tuyên truyền thế mạnh của mỗi địa phương
Tại hội thảo, lãnh đạo 8 báo Đảng các địa phương: Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Binh, Bắc Ninh, Phú Thọ đã trình bày tham luận về các vấn đề nổi cộm tại địa phương, cũng như những cách thức hiệu quả mà mỗi cơ quan báo chí đã và đang triển khai trong việc tuyên truyền nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế... của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Tổng Biên tập Báo Hải Phòng cho biết, Hải Phòng được biết đến là đô thị cảng biển; là cửa ngõ giao thông quan trọng của Việt Nam và quốc tế. Xuất phát từ vị trí trọng yếu của Hải Phòng, chủ đề tuyên truyền về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển dịch vụ logictics, cảng biển là những nội dung được Báo Hải Phòng chú trọng.
Bên cạnh phản ánh những tiềm năng, lợi thế, chính sách, cơ chế thu hút đầu tư của thành phố nói chung, trong lĩnh vực logistics nói riêng, Báo quan tâm nhiệm vụ phản biện chính sách. Trong đó, ghi nhận, phản ánh kịp thời ý kiến của doanh nghiệp đối với cơ chế, chính sách của thành phố hoặc những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình đầu tư. Từ việc phản ánh những bất cập này, thành phố đã và đang chỉ đạo, lãnh đạo triển khai giải pháp khắc phục.
Tuyên truyền những giải pháp tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhà đầu tư lớn vào địa bàn là giải pháp được đồng chí Đào Ngọc Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên đề cập tại Hội thảo.
Được xác định là một trong những cực tăng trưởng của vùng, với những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, nguồn nhân lực và nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, khoảng 10 năm trở lại đây, tỉnh Thái Nguyên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều năm liên tục, tỉnh đứng thứ tư cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu (năm 2023, giá trị xuất khẩu đạt trên 27 tỷ USD; quý I-2024, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 203 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước); tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.
Đồng hành, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung đó, đặc biệt là lĩnh vực thu hút đầu tư, Báo Thái Nguyên xác định rõ việc tuyên truyền về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết điểm nghẽn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh, Báo Thái Nguyên đã sớm xây dựng và duy trì chuyên mục “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, thường xuyên đăng tải các tác phẩm báo chí phản ánh đậm nét, kịp thời những chỉ đạo, các cuộc họp của lãnh đạo tỉnh, các cơ chế của địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; các cuộc đối thoại với doanh nghiệp của các cấp, ngành cũng được phản ánh đầy đủ, kịp thời bằng nhiều loại hình, thể loại báo chí…
Từ thế mạnh của mỗi địa phương dựa trên đặc thù về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan…, mỗi cơ quan báo Đảng địa phương lại có những cách triển khai hoạt động tuyên truyền đặc thù để báo chí thực sự phục vụ hiệu quả cho công tác thông tin tuyên truyền, kêu gọi đầu tư trên địa bàn.
Điển hình như Báo Sơn La tập trung tuyên truyền về xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu; Báo Ninh Bình tuyên truyền về khai thác tiềm năng, lợi thế của các danh thắng, di sản trong phát triển du lịch; Báo Bắc Ninh đẩy mạnh tuyên truyền về các thiết chế văn hóa, chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thân thiện, nhân văn; Báo Phú Thọ đổi mới công tác tuyên truyền về phát triển tổ chức Đảng, công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Báo Hà Nam khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí trong thu hút đầu tư; Báo Hòa Bình đi sâu tuyên truyền những giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển kinh tế bền vững; Báo Điện Biên Phủ chú trọng tuyên truyền về giá trị của các di tích lịch sử cách mạng, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch; Báo Yên Bái có nhiều tuyến thông tin về các mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm; Báo Lạng Sơn tuyên truyền về cải thiện thủ tục hải quan, thuế... để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Báo Bắc Kạn mang đến Hội thảo những kinh nghiệm quý trong việc tuyên truyền về xây dựng thương hiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP; Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ những kinh nghiệm quý trong công tác tuyên truyền góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...
Sau một buổi sáng làm việc, Hội thảo đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Đồng chí Trịnh Văn Ánh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang khẳng định, các tham luận tại hội thảo rất có giá trị về mặt thực tiễn khi không chỉ đi sâu phân tích, đánh giá vai trò của báo chí nói chung, trong đó có báo Đảng địa phương, trong việc tuyên truyền các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.., mà còn gợi mở được nhiều cách làm mới nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về công tác này. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan báo Đảng địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào làm báo để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn vào việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.