EU bắt đầu xem xét lại hiệp định với Israel
Một số quốc gia thành viên đã đề cập tới việc xem xét lại Hiệp định Hiệp hội Liên minh châu Âu (EU) - Israel.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18-10 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kết luận về vấn đề Ukraine, Trung Đông, khả năng cạnh tranh, di cư và đối ngoại tại Hội nghị thượng đỉnh của khối.
Về vấn đề Trung Đông, các nhà lãnh đạo EU lên án những cuộc tấn công do phong trào Hamas phát động vào ngày 7-10-2023, mong muốn trả tự do cho tất cả các con tin, thúc đẩy ngừng bắn ở Dải Gaza và Lebanon. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel một lần khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của khối với giải pháp 2 nhà nước để chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Israel và Palestine.
EU cũng lên án cuộc tấn công vào phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL), đồng thời cho biết, một số quốc gia thành viên đã đề cập tới việc xem xét lại Hiệp định Hiệp hội EU-Israel trên cơ sở rằng Israel có thể vi phạm điều khoản nhân quyền của thỏa thuận. Một cuộc tranh luận ở cấp bộ trưởng ngoại giao EU về chủ đề này đã được khởi động.
Về tình hình Ukraine, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định sự ủng hộ của EU với Kiev và “kế hoạch chiến thắng” do Tổng thống Volodymyr Zelensky trình bày.
“Các bạn biết rằng chúng tôi đang thực hiện gói tài chính trị giá tổng cộng 50 tỷ USD hỗ trợ Kiev” - ông Charles Michel cho biết.
Về vấn đề gây tranh cãi nhất tại hội nghị liên quan tới người di cư, các nhà lãnh đạo EU đã thúc đẩy các kế hoạch đẩy nhanh các sáng kiến đưa những người di cư không đủ điều kiện ở lại EU ra khỏi khối và xử lý các đơn xin tị nạn ở xa biên giới của họ, nhằm củng cố danh tiếng là "Pháo đài châu Âu".
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết : “Mọi thứ đang thay đổi ở EU. Bây giờ, phần lớn các nhà lãnh đạo đều nói rằng, chúng ta không thể tiếp tục. Con số quá cao. Chúng ta phải đưa những người không nên được bảo vệ ở châu Âu trở về nước”.
Nội dung của cuộc tranh luận này rất khác so với năm 2015, cách đây chưa đầy một thập kỷ, khi EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư. Hơn 1 triệu người di cư và người tị nạn đã tìm kiếm sự giúp đỡ vào thời điểm đó, chủ yếu là từ Trung Đông và Afghanistan. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói một câu nổi tiếng: “Chúng ta có thể quản lý được điều đó”.
Hiện nay, các nhà lãnh đạo EU đang chấp nhận các sáng kiến mà chỉ vài năm trước từng bị phản đối. Ba Lan cho biết, họ muốn tạm thời đình chỉ quyền tị nạn, Italia đã mở hai trung tâm xử lý người xin tị nạn bên ngoài biên giới của mình tại Albania, và Đức đã khôi phục kiểm soát biên giới.
“Các nhà lãnh đạo quyết tâm hành động để kiểm soát tốt hơn biên giới bên ngoài của EU, quyết tâm xử lý vấn đề tội phạm có tổ chức và cuộc chiến chống lại những kẻ buôn người tiếp tay cho mô hình kinh doanh này”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết.