Cải cách hành chính

Hà Nội: Khảo sát đo lường Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức tại 53 cơ quan, đơn vị

Hoài Thu 18/10/2024 09:23

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch đo lường Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan tương đương sở; UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố năm 2024.

8(1).jpg
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Hoàng Mai được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ người dân. Ảnh: Thu Hằng

Đối tượng thực hiện khảo sát tại 53 cơ quan, đơn vị, trong đó, tại 23 sở, cơ quan tương đương sở là cá nhân, người đại diện tổ chức đã giao dịch thủ tục hành chính tại cơ quan quản lý nhà nước; tại 30 UBND quận, huyện, thị xã là người đại diện cho hộ gia đình, đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi, biết đọc, biết viết và cá nhân, người đại diện tổ chức đã giao dịch thủ tục hành chính tại cơ quan quản lý nhà nước từ ngày 1-1 đến thời điểm khảo sát.

Thời gian khảo sát từ tháng 10 đến tháng 12-2024, kết hợp khảo sát trực tuyến và trực tiếp, cảm nhận, trải nghiệm đối với đại diện cho hộ gia đình, cá nhân, người đại diện tổ chức có giao dịch thủ tục hành chính. Thông qua kết quả đo lường, thành phố sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức.

Để làm tốt việc này, UBND thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nghiên cứu, xây dựng mẫu phiếu khảo sát trực tiếp và trực tuyến bảo đảm nội dung, tiêu chí đánh giá khảo sát; xây dựng báo cáo phân tích Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức sau khi xử lý số liệu…

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai giám sát, phúc tra việc phát, thu phiếu, xử lý kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) của các cơ quan, đơn vị; thẩm định, cho ý kiến về kết quả khảo sát, đo lường Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của 23 sở, cơ quan tương đương sở và 30 UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố.

Các sở, cơ quan tương đương sở; UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan, bảo đảm việc khảo sát, đo lường đạt kết quả tốt nhất; cung cấp đầy đủ thông tin danh sách cá nhân, tổ chức là đại diện cho hộ gia đình và người dân, tổ chức đã giao dịch thủ tục hành chính tại đơn vị; phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến của đại diện cho hộ gia đình và người dân, tổ chức đã giao dịch thủ tục hành chính tại đơn vị trong trường hợp khảo sát trực tuyến không bảo đảm số lượng cỡ mẫu đã phân bổ hoặc trường hợp cần kiểm chứng thông tin.

UBND thành phố cũng yêu cầu việc triển khai nội dung trên bảo đảm đúng nội dung, tiến độ; đạt mục đích đề ra; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc khảo sát, đo lường, thu thập thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã; quá trình triển khai cần được giám sát, kiểm tra chặt chẽ nhằm bảo đảm kết quả khảo sát, đo lường chính xác, khách quan, có chất lượng.

Kết quả, ý nghĩa của Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan tương đương sở; UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố sẽ được công bố, thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị và người dân, tổ chức để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội đối với công tác cải cách hành chính.