Nghị quyết và Cuộc sống

Bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Bồi đắp “Văn hóa chống lãng phí” trong đời sống chính trị, góp phần đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới

PGS.TS Trần Viết Lưu 18/10/2024 06:29

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội bàn nhiều về bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, có tiêu đề như một thông điệp thể hiện ý chí nâng cao tầm vóc lịch sử cho Đảng ta: “Chống lãng phí”. Trong các quan điểm, các giải pháp đột phá, có một điểm rất đáng chú ý, đó là phải xây dựng văn hóa chống lãng phí.

Đảng ta là con nòi của một dân tộc giàu truyền thống văn hóa, cho nên đã sớm nhận thức đúng đắn tầm vóc, vị thế, vai trò lịch sử của văn hóa Việt Nam trong tiến trình đấu tranh giành độc lập và kiến tạo chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - đó là mệnh lệnh chính trị của Đảng. Đảng ta lãnh đạo cách mạng không phải bằng mệnh lệnh, mà bằng định hướng các giá trị “đạo đức, văn minh”. Thực hành tiết kiệm và tránh lãng phí là một trong những giá trị đạo đức, văn minh trong thể chế chính trị Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, cầm quyền, đưa nước nhà tới độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

* *
*

Văn hóa là một hệ thống giá trị vật chất, tinh thần được người đời để lại qua thời gian và biến động lịch sử. Mô hình xã hội ưu việt mà Việt Nam đã và đang hướng tới là một mô hình hàm chứa hệ giá trị phổ quát, là khát vọng của nhân loại, trong đó có những giá trị vật chất là: Giàu đẹp, cường thịnh, phồn vinh; và giá trị tinh thần là: Độc lập, tự do, hạnh phúc. Nhưng, để có được những giá trị như vậy, người ta không thể chỉ ngồi thiền định, mà phải lăn xả vào cuộc sống, phải lao động, cống hiến, nỗ lực phấn đấu và biết trân quý từng giọt mồ hôi; đặc biệt là với người lãnh đạo đất nước càng phải biết trăn trở lo kế sách ích nước, lợi nhà, có tầm nhìn xa, trông rộng cho muôn đời sau. Thực hành tiết kiệm đi đôi với phòng, chống lãng phí là một trong những nét đẹp văn hóa chính trị, cần được cán bộ, đảng viên nêu gương, tạo lan tỏa xã hội.

Nhìn ra xung quanh, như đất nước Nhật Bản, tuy không dồi dào về tài nguyên, khoáng sản, nhưng nhờ biết hình thành văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí mà tự đứng trên đôi chân vững chãi, hồi sinh từ đống tro tàn của Chiến tranh thế giới thứ II; là một điển hình của văn hóa tiết kiệm, tránh lãng phí, họ biết chắt chiu từng li, từng tí nguồn lực của đất nước để vươn mình trở thành con rồng lớn ở châu Á, là một trong những cường quốc kinh tế, khoa học, công nghệ thế giới.

Việt Nam, tuy có rừng vàng, biển bạc, giàu tài nguyên, song lại luôn phải đối mặt với nhiều cơn bão táp lịch sử, chống quân xâm lăng (hơn ngàn năm Bắc thuộc), lại phải oằn mình chống chọi với thiên tai khủng khiếp. Truyền thuyết Sơn Tinh, Thánh Gióng là sự nhân cách hóa sức mạnh Việt Nam, biết tích lũy, hội tụ sức mạnh cộng đồng, vươn mình hóa thành sức mạnh vô địch ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng đúc kết những lời truyền dạy về đức tính tiết kiệm, tránh lãng phí, xa hoa, ví như “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Trong thời kỳ kháng chiến vệ quốc, người chiến sĩ ngoài mặt trận có chỗ dựa vững chắc từ hậu phương biết “mỗi người làm việc bằng hai”, “tất cả cho tiền tuyến”, “thắt lưng buộc bụng” vì nghĩa lớn dân tộc; người chiến sĩ ở tiền phương cũng biết “yêu xe như con, quý xăng như máu”, người chỉ huy ngoài mặt trận biết "bài binh bố trận" để ít thương vong nhất cho đồng chí, đồng đội của mình. Khi đại thắng, cũng phải tính toán sao cho phố phường, làng mạc đỡ hoang tàn nhất để còn có tiền đề phát triển trong thời bình.

Thời bao cấp, con người phải xếp hàng mua nhu yếu phẩm, một chiếc lốp, chiếc xăm xe đạp phải chịu nhiều mảnh vá. Thời đổi mới, người dân được đóng vai “thượng đế” lựa chọn hàng hóa, lựa chọn phương thức thụ hưởng vị thế của “thượng đế”. Trước thời đổi mới, Việt Nam bị lạm phát kinh tế phi mã, tới hơn ba con số, lại bị bao vây, cấm vận, nên đã nghèo lại càng khó khi cần vốn liếng “khởi nghiệp quốc gia”. Nhờ có tư duy đổi mới của Đảng, khai phóng tiềm năng sáng tạo, khích lệ tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, trước hết bắt đầu từ nông nghiệp, nên đời sống vật chất, đời sống tinh thần có bước chuyển biến rõ rệt.

Sau gần 40 năm đổi mới, cơ đồ dân tộc nay đã to lớn, nhưng so với xu thế thời đại, thế vẫn còn khiêm tốn, so với khát vọng dân tộc, thế vẫn còn khoảng cách xa rộng. Cho nên, vẫn không được phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, cần phải chớp lấy thời cơ, nắm lấy lợi thế, tiết kiệm nguồn lực, tránh lãng phí, xa hoa, cộng hưởng tinh thần cách mạng không ngừng với xu thế lịch sử, thời đại để làm biến đổi về chất nội lực quốc gia, vững bước đi tới tương lai “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội bàn nhiều về bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, có tiêu đề như một thông điệp thể hiện ý chí nâng cao tầm vóc lịch sử cho Đảng ta: “Chống lãng phí”. Trong các quan điểm, các giải pháp đột phá, có một điểm rất đáng chú ý, đó là phải xây dựng văn hóa chống lãng phí.

Văn hóa chống lãng phí không phải là những phát ngôn mang tính cao đạo, giáo huấn, khích lệ mọi người, mà phải đi vào thực chất có sự thống nhất giữa lời nói và hành động, trước hết phải quán triệt, nhận thức đúng, từ đó mỗi người cùng tập thể thay đổi hành vi, tạo thành nếp sống có ý thức, có tầm mức văn hóa soi rọi việc làm tiết kiệm, tránh lãng phí. Mấu chốt của việc tạo chuyển biến tư duy và thực hành là cần chủ động vận dụng sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng liên quan tới xây dựng, chỉnh đốn Đảng (tiêu biểu là Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05, Quy định 144), làm cho mỗi tổ chức, cơ sở Đảng thực sự là một tế bào khỏe mạnh về văn hóa chống lãng phí, có khả năng kháng thể với loại vi rút tha hóa quyền lực.

Từ thực tiễn cách mạng, nhất là gần 40 năm đổi mới, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, và mới đây là phòng tránh cơn bão số 3 (Yagi), có thể khẳng định: Trước muôn vàn khó khăn, thách thức mang tính thời đại, dân tộc Việt Nam muốn vượt cơn gió ngược, thì chỉ có thể tự lực, tự cường, tự chủ, đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, cần phải chiêm nghiệm lời của người xưa về văn hóa tiết kiệm, tránh lãng phí, căn cơ lo liệu phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước, không đánh cược vận mệnh quốc gia vào sự trợ giúp từ bên ngoài.

Dân tộc Việt Nam vốn có bề dày truyền thống văn hóa hội tụ sức mạnh nội sinh, trong đó không thể bỏ qua văn hóa thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí. Kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều lời hay ý đẹp chỉ dạy cán bộ, đảng viên phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xa hoa, chắt chiu công của dựng xây và bảo vệ chế độ mới. Cuộc đời của Người là một tấm gương mẫu mực về thực hành văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí, đó là một kho báu giá trị tư tưởng, lý luận, kinh nghiệm thực tiễn giúp cho Đảng ta tiếp tục khai thác, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ngày nay, giữa một thế giới đầy biến động, xung đột chiến lược giữa các siêu cường đang ngày càng lôi kéo thế giới vào thế tiến thoái lưỡng nan. Việt Nam đang có lợi thế giữ được ổn định, hòa bình để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, thành công với thế giới. Hai mục tiêu chiến lược được Đại hội XIII của Đảng đề ra, để đưa Việt Nam thành nước phát triển hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một thời cơ chính trị lớn lao, nếu không phát huy được sức mạnh tổng hợp, trước hết là nội lực quốc gia thì chắc khó lòng thành công lớn.

Người xưa có câu “càng cao danh vọng càng dày gian nan”, cho nên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nỗ lực đủ trí tuệ, bản lĩnh phi thường để vươn mình bước vào kỷ nguyên mới. Theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, điều kiện cần và đủ cho dân tộc ta bước tới đài vinh quang giữa thế kỷ này là phải tạo nên sức mạnh phi thường của cả dân tộc. Trước tiên là Đảng phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tự làm trong sạch mình, không vướng bận sa vào chủ nghĩa cá nhân, không tự kiêu, tự mãn, không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nói đi đôi với làm, mỗi quyết sách đưa ra là sự gắn kết máu thịt hòa quyện giữa ý Đảng, lòng dân. Lòng tin của nhân dân là tài nguyên vô hình, vô giá, không gì so sánh, bù đắp được. Nhân dân nghe và làm theo Đảng tức là họ muốn đất nước mình hưng thịnh, muốn dân mình được thụ hưởng giá trị đích thực của độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất, nơi biển đảo quê hương không phải là vô cùng tận, nên phải biết “tiêu dè”, để dành cho đời sau; vốn vay, vốn gửi, tài trợ nước ngoài, sự quyên góp hảo tâm, tài nguyên nguồn nhân lực… đều là vay mượn có điều kiện, phải đánh đổi một số thứ, nên phải biết sử dụng căn cơ. Cho nên, bất kỳ cá nhân, tổ chức, cấp nào, địa phương nào gây thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia, đều phải tự chịu trách nhiệm trước lương tâm và luật pháp, nguyên tắc của Đảng.

* *
*

Việc quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về xây dựng văn hóa chống lãng phí là một mệnh lệnh chính trị cần kíp trước mắt và lâu dài. Không thể khác, vì nếu coi nhẹ việc này thì Đảng sẽ phải lãnh hậu quả mất uy tín với dân, Tổ quốc sẽ lâm nguy vì lòng dân chán ghét “công bộc của dân”, lợi dụng cơ hội đó, các thế lực thù địch, phản động sẽ sử dụng phương thức “cách mạng màu” để thay đổi chế độ. Nước nhà từng chịu nhiều hy sinh xương máu, từng tốn biết bao công của để có được cơ đồ như ngày nay. Nếu dám nghĩ lớn, quyết đi xa tới đích tương lai tươi sáng, thì cần tự rèn giũa đạo đức liêm chính bằng xây dựng, bồi đắp văn hóa chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tiến sĩ Hoàng Thị Phương, giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội:
Không để lãng phí cơ hội phát triển

t4-ykien-hoang-thi-phuong.jpg

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đăng ngày 14-10-2024 đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc chỉ ra những biểu hiện mới của lãng phí trong bài viết thể hiện cái nhìn toàn diện và phản ánh chính xác thực trạng lãng phí trong quản lý nhà nước và phát triển xã hội hiện nay.

Không chỉ tập trung vào lãng phí tài chính và tài sản công, bài viết nhấn mạnh đến những khía cạnh phi truyền thống như lãng phí cơ hội phát triển, lãng phí thời gian và nguồn nhân lực. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, đòi hỏi sự tối ưu hóa mọi nguồn lực.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là lãng phí nguồn nhân lực được thể hiện qua sự thiếu trách nhiệm, né tránh công việc và năng suất lao động thấp. Việc cán bộ không đủ năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước mà còn làm giảm hiệu quả của bộ máy nhà nước và gây mất lòng tin của nhân dân.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng hiện nay, các yếu tố như quản lý nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tận dụng cơ hội phát triển là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, việc chỉ ra lãng phí cơ hội và nhân lực không chỉ phản ánh đúng thực trạng mà còn đóng vai trò định hướng cho các nỗ lực cải cách hành chính và phát triển bền vững.

Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 2 (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) Vũ Duy Bích:
Chống lãng phí cần trở thành việc làm tự nguyện

t4-ykien-vu-duy-bich.jpg

Đọc bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tôi nhận thấy đây là một trong những nội dung trọng tâm được Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đặc biệt quan tâm.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác thực hành, chống lãng phí được làm thông suốt từ khâu hoạch định chính sách, triển khai các chủ trương, đến giám sát chặt chẽ từ mọi hoạt động phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau. Điều này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển như gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Vì thế, những đảng viên cao tuổi chúng tôi cho rằng cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân... như bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu. Trong đó, bài trừ vấn nạn thất thoát, lãng phí tuy không mới nhưng rất quan trọng và cấp thiết cho hiện tại và tương lai lâu dài của đất nước.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Vũ Đức Chiêu:
Cần tuyên truyền sâu rộng về chống lãng phí

t4-ykien-vu-duc-chieu.jpg

Đọc bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tôi rất vui và tin tưởng. Bài viết là mệnh lệnh từ trái tim của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc, từ thực trạng của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay, cũng như yêu cầu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đất nước phát triển bền vững trong tình hình mới. Lãng phí nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ là một trong những nguyên nhân làm suy giảm lòng tin; gieo sự nghi ngờ của nhân dân về tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo quản lý của các nhà hoạch định, đội ngũ cán bộ chuyên môn...

Để bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến với từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, cần quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến từng chi bộ Đảng, các tổ chức, đoàn thể và người dân, với nhiều hình thức, như phổ biến trực tiếp kết hợp đăng tải trên các trang thông tin, nhóm Zalo, nhóm Viber, các trang Fanpage…. Đồng thời, có liên hệ sâu sắc ở từng cấp; tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại, đối thoại chuyên đề giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, người dân về phòng, chống lãng phí. Các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần khẩn trương thực hiện nghiêm túc những giải pháp trọng tâm trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được hiệu quả hơn.

Đình Hiệp - Hiền Chi ghi