Chính trị

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hưng Yên trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Theo TTXVN 17/10/2024 - 18:59

Chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 17-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tiến hành tiếp xúc cử tri tại huyện Văn Giang.

tbt-1.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với cử tri huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Cùng tham dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hưng Yên Đào Hồng Vận; đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang...

Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã nghe thông báo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và tỉnh Hưng Yên về ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn trong kỳ tiếp xúc trước.

Nhiều kiến nghị liên quan đến quốc kế, dân sinh

Tại buổi tiếp xúc cử tri, các cử tri Hưng Yên đánh giá hoạt động của Quốc hội thời gian qua đã có nhiều sáng tạo, cải tiến hiệu quả, linh hoạt. Những dự án luật, vấn đề quan trọng của đất nước đưa ra thảo luận tại các Kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đúng trọng tâm, trọng điểm, có kết quả cao. Nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, có các câu hỏi và trả lời trúng và đúng.

Cùng với đó, các cử tri đã nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến một số lĩnh vực được cử tri và người dân quan tâm.

Bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri Nguyễn Quốc Doanh, thị trấn Văn Giang nhấn mạnh, những năm qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt với phương châm “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được kết quả quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, cử tri mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để cán bộ “không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng”.

tbt-2.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với cử tri huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Cử tri Lê Duy Thanh, xã Phụng Công bày tỏ lo lắng, bão số Yagi (bão số 3) gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó có tỉnh Hưng Yên và một số xã của huyện Văn Giang. Cử tri mong muốn, các cấp, ngành đánh giá lại toàn bộ vùng bồi chắn lũ cho khu sản xuất của các xã ven sông Hồng, có cơ chế đặc thù bảo vệ cho những khu sản xuất có giá trị kinh tế cao; đề nghị các cấp xây dựng cho 2 xã Phụng Công, Xuân Quan một Trạm bơm dã chiến giáp xã Văn Đức huyện Gia Lâm để kịp thời bơm nước khi mưa lũ xảy ra đảm bảo giữ gìn tài sản cho nhân dân. Chính phủ cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của bão số 3; đặc biệt có chính sách hỗ trợ các loại cây trồng chưa có trong quy định của Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cho phù hợp với thời điểm hiện tại.

Cử tri Nguyễn Quang Huy, huyện Văn Giang cho rằng, với cơ chế quản lý, phân cấp và thẩm quyền quản lý nhà nước như hiện tại sẽ không đảm bảo được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với địa phương đang là cấp huyện nhưng có tốc độ phát triển đô thị nhanh. Cử tri đề nghị có cơ chế quản lý phù hợp để phát huy được vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, Nhà đầu tư và người dân (cư dân) trong công tác quản lý phát triển đô thị; cơ chế phù hợp để bổ sung, củng cố đội ngũ cán bộ nâng cao năng lực quản lý của chính quyền cấp huyện, cấp xã...

Cử tri Nguyễn Thị Minh Phương, xã Long Hưng chia sẻ, hiện nay, nhiệm vụ của cán bộ Văn phòng cấp ủy cấp xã rất nhiều, ngày càng đòi hỏi trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, vị trí chức danh và mức phụ cấp như hiện tại còn chưa tương xứng. Do vậy, để đội ngũ này yên tâm công tác, cống hiến góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo của cấp ủy tại địa phương và tăng cường công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, cử tri đề nghị xem xét bổ sung chức danh nhân viên Văn phòng cấp ủy là công chức cấp xã.

Bà Đào Thị Bích Ngọc, cử tri ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên cho rằng, trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập trường Tiểu học với trường Trung học Cơ sở thành Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở, ngành Giáo dục và Đào tạo gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, có ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sửa đổi, khoản 3 Điều 11 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục Đào tạo quy định về tiêu chuẩn của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường trung học và trường liên cấp.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ trong chi bộ

tbt-3.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao công tác chuẩn bị buổi tiếp xúc cử tri, trân trọng cảm ơn các cử tri đã tham dự đông đủ và có những ý kiến góp ý sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội.

Thông báo với các cử tri về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước đang trên đà phát triển tốt, phát triển nhanh, bền vững; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, thiết thực kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành mục tiêu 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong top 20 quốc gia trên thế giới. Từ một đất nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả nước lớn và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. An sinh xã hội được đảm bảo, thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng, những năm gần đây, Hưng Yên là một trong những tỉnh ngày càng phát triển, đường sá được mở rộng, công trình văn hóa được xây dựng, công tác quốc phòng, an ninh chính trị được giữ vững và trở thành nơi đáng sống. Với lợi thế giáp Thủ đô Hà Nội, những năm qua, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã vươn mình trở thành "điểm sáng" trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Những nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Văn Giang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023 và là huyện đầu tiên của tỉnh Hưng Yên đón nhận vinh dự này.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Văn Giang quyết tâm một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nắm bắt cơ hội, vượt mọi khó khăn, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, phấn đấu đưa Văn Giang sớm trở thành đô thị loại III vào năm 2025, tạo tiền đề trở thành đô thị loại II trước năm 2030 và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

tbt-4.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Về những ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định từ những vấn đề của đời sống xã hội, các cử tri đã có kiến nghị xác đáng, tâm huyết, đề cập đến nhiều lĩnh vực.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công tác chung của toàn dân, từng đảng viên, từng chi bộ, từng cơ sở. Mọi người dân đều phải có trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện kiểm điểm thường xuyên, định kỳ, không để tham nhũng, tiêu cực phát triển.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, cần xử lý những khâu còn yếu, khâu còn dở, có biện pháp mạnh mẽ hơn; đẩy nhanh tiến độ điều tra, những vụ án người dân quan tâm; hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thực tiễn, đảm bảo thực thi quyền lực Nhà nước, đảm bảo quyền con người, quyền công dân và lợi ích chung của toàn xã hội...; tập trung chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm toán; nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chống lãng phí.

Chia sẻ với nhân dân trên địa bàn bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão Yagi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao chính quyền và nhân dân địa phương đã chủ động nhiều biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả của bão Yagi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn người dân có ý thức giữ gìn môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; yêu cầu tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang, phối hợp với huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội sớm khắc phục việc bơm tưới, tiêu nước cho phù hợp.

Liên quan đến một số vấn đề khác mà cử tri quan tâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên phối hợp với các cơ quan của tỉnh ghi nhận toàn bộ những ý kiến của cử tri, rà soát các nội dung để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và Quốc hội giải quyết.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao tặng 50 bộ máy tính cho huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và đến thăm, tặng quà gia đình thương binh Nguyễn Văn Thân, sinh năm 1949, ở thôn Như Phượng Thượng, xã Long Hưng và gia đình bà Đinh Thị Ngân, sinh năm 1962, là hộ thoát nghèo, ở thôn Như Lân, xã Long Hưng.