Chính trị

Phát huy cao hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc

Nguyên Hoa ghi 17/10/2024 - 13:26

Sáng 17-10, tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, các đại biểu tham luận tại Đại hội một lần nữa khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, hoàn thành nhiều nhiệm vụ mới, khó và đột xuất.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương:
Đồng hành cùng thành phố trong công tác an sinh xã hội

z5938515578284_c0c523e72d8aaa49b5cd9e355d0aa212.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương. Ảnh: Quang Vinh

Chăm lo cho người nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Mặt trận các cấp thành phố Hà Nội, thể hiện một Hà Nội nghĩa tình, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hưởng ứng phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, giai đoạn 2021-2025”, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cùng các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo công tác an sinh xã hội.

Với phương thức vận động, giúp đỡ có nhiều đổi mới, MTTQ thành phố vừa vận động các nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, vừa hướng dẫn, kết nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trực tiếp triển khai giúp đỡ cho người nghèo và các địa phương. Bên cạnh đó, chủ trì hiệp thương để mỗi đoàn thể nhận giúp đỡ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững theo địa chỉ cụ thể; xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện công tác an sinh xã hội.

Trong nhiệm kỳ qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thành phố đã vận động được 411,2 tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trọng tâm là hỗ trợ an cư và trao sinh kế, toàn thành phố đã trích trên 341,8 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng và sửa chữa 5.099 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ 31.697 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ sinh kế cho 8.988 hộ, hỗ trợ khám, chữa bệnh cho 8.434 người nghèo và các hỗ trợ khác trị giá 156,4 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND thành phố đã phối hợp triển khai hỗ trợ xây, sửa chữa 714 nhà ở cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở xuống cấp trên địa bàn với định mức 100 triệu đồng/nhà xây mới, 60 triệu đồng/nhà sửa chữa, cao hơn mức quy định của Trung ương; tổng kinh phí hỗ trợ là 61,08 tỷ đồng.

MTTQ Việt Nam thành phố đã vận động được trên 169 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Cứu trợ, trích trên 153,412 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do bão lũ, hỏa hoạn. Vận động được trên 252,4 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”, chuyển hỗ trợ 216 tỷ đồng xây nhà văn hóa đa năng tại quần đảo Trường Sa, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của nhân dân Hà Nội với biển đảo Tổ quốc.

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tập trung đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra. Đồng thời, phát huy tinh thần “Hà Nội cùng cả nước, vì cả nước”, tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trong công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tại châu Âu Hoàng Đình Thắng:
Không ngừng kết nối bà con Việt kiều

z5938515818462_86bc32348050e161f5d7a58bd720f363.jpg
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tại châu Âu Hoàng Đình Thắng. Ảnh: Quang Vinh

Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu được thành lập vào tháng 10-2016; hiện nay, Ban Chấp hành Hội gồm 60 Ủy viên đại diện cho 23 quốc gia châu Âu.

Trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp đã không ngừng nỗ lực kết nối cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, hỗ trợ phát triển các tổ chức hội đoàn; nỗ lực vận động bà con đang sinh sống làm việc tại châu Âu hướng về xây dựng quê hương đất nước, đặc biệt là các hoạt động từ thiện do MTTQ Việt Nam và các tổ chức trong nước phát động.

Để phát huy được vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu nói riêng tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng tôi xin kiến nghị: Việc lựa chọn nhân sự Ủy viên Ủy ban MTTQ Tổ quốc Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài phải là những người có tâm huyết, có năng lực, có điều kiện tham gia hoạt động và có uy tín với cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại.

Thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; làm cầu nối tích cực thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước, chính quyền các địa phương nơi có đông người Việt sinh sống để chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế ở nước sở tại cũng như ở châu lục.

Trong lĩnh vực quốc tịch, chúng tôi mong sớm có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời, giữ quốc tịch nước ngoài. Đảng, Nhà nước cần cân nhắc xem xét, bổ sung các quy định cho phép công dân Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội. Cần mở rộng việc cho phép các tổ chức hội đoàn có quy mô lớn được phép trở thành thành viên của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác. Tiếp tục nghiên cứu cho phép đại diện Hội đồng hương kiều bào các tỉnh ở các quốc gia trên các châu lục có thể tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, đại diện các hội phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài là thành viên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam...

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc:
Sức mạnh đại đoàn kết giúp thành phố vượt qua đại dịch Covid-19

z5938515586079_4abc50da1038647806e71f53c62af2a6.jpg
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc. Ảnh: Quang Vinh

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm sâu sát, toàn diện của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ. Cùng với đó, nhiều tổ chức quốc tế, đồng bào ta ở nước ngoài đã nhanh chóng huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt chương trình ngoại giao vắc xin của Chính phủ. Song song đó là sức mạnh đoàn kết từ sự hỗ trợ của 63 tỉnh, thành phố, đã chi viện cho các đoàn y tế cùng thành phố tham gia chống dịch. MTTQ Việt Nam ở các tỉnh, thành phố đã vận động đóng góp lương thực, thực phẩm.

Các yếu tố cốt lõi trên là giải pháp trợ lực, động lực mạnh để bảo vệ chính quyền, MTTQ và nhân dân thành phố cùng đồng tâm, đồng thuận, đồng tình trong công tác phòng, chống dịch, đã trở thành sức mạnh nội lực của thành phố.

Với tinh thần đó, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tổ chức nhiều đội hình, huy động nhiều lực lượng cùng các giai tầng xã hội tham gia tất cả các khâu trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, MTTQ Việt Nam thành phố đã nhanh chóng thành lập trung tâm an sinh xã hội, sau phát triển thành quỹ an sinh xã hội với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch”.

Theo sự phát động của Mặt trận, các cộng đồng dân cư đã gắn kết, người dân hưởng ứng mạnh mẽ hình thành nhiều đội hình thiện nguyện “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, để cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân, đồng thời, tổ chức nhiều bếp ăn miễn phí, các đội hình tình nguyện... Nhiều bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh nhận lời hưởng ứng của Mặt trận đã tình nguyện ở lại chăm sóc các F0 khác...

Bài học về phát huy sức mạnh nhân dân, đồng lòng vượt qua đại dịch Covid-19 đã được thành phố phát huy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Là một trong số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 khiến tổng sản phẩm nội địa giảm sâu tới âm 4,01% vào năm 2021. Nhưng nhờ sự đồng lòng chung sức của nhân dân đã cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố phấn đấu tăng lên 9,03% năm 2023 và đạt mức tăng trưởng 6,85% trong 9 tháng năm 2024, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Điều đó đã thể hiện chiều sâu của sự đoàn kết nhân dân trong thực hiện chủ trương phát triển của thành phố.

Đảng bộ, chính quyền, MTTQ Việt Nam và nhân dân thành phố quyết tâm phấn đấu xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu...