Phát triển du lịch từ “vốn” di sản văn hóa
Quận Bắc Từ Liêm là một phần của huyện Từ Liêm trước đây - vùng đất có lịch sử lâu đời, nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa của người Việt cổ.
Do đó, Bắc Từ Liêm mang trong mình một kho tàng lịch sử, văn hóa phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình. Đây là nguồn “vốn văn hóa” quý báu để quận khai thác, phát triển ngành công nghiệp không khói với những sản phẩm độc đáo riêng có, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cái nôi của văn hóa truyền thống
Quận Bắc Từ Liêm nằm ở cửa ngõ phía tây bắc Hà Nội. Địa danh Từ Liêm - tiền thân của hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm được hình thành từ thế kỷ thứ VII. Đây không chỉ là một vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng mà còn là nơi hội tụ những giá trị văn hóa đặc sắc. Người dân nơi đây biết làm nông nghiệp và phát triển thủ công nghiệp sớm nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Hàng nghìn năm hội tụ, giao thoa, tiếp biến văn hóa đã tạo cho vùng đất này hệ thống di sản văn hóa phong phú với những công trình kiến trúc, tâm linh tín ngưỡng độc đáo, những lễ hội dân gian và phong tục tập quán đặc sắc.
Trên địa bàn quận hiện có 136 di tích, trong đó có 63 di tích được xếp hạng, bao gồm 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 48 di tích quốc gia, 14 di tích cấp thành phố. Cùng với đó là 26 di tích cách mạng kháng chiến và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; hơn 100 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 1 - 3 thế kỷ được bảo tồn nguyên trạng.
Ngoài ra, trên địa bàn quận hiện còn lưu giữ hàng nghìn cổ vật, di vật quý hiếm như: 48 bức tranh sơn dầu màu trên ván gỗ ở đình Đông Ngạc có niên đại thời Hậu Lê, 51 pho tượng tròn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX ở chùa Kỳ Vũ; đặc biệt là quả chuông thời Ngô Quyền (niên đại 948) tại đình Nhật Tảo đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Gắn bó mật thiết với các di tích là 35 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 29 lễ hội còn giữ được nhiều nghi thức truyền thống, phong tục và các trò chơi dân gian độc đáo; tiêu biểu là 3 lễ hội đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội đình Chèm (phường Thụy Phương), Lễ hội bơi Đăm (phường Tây Tựu), Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai (phường Phúc Diễn).
Bắc Từ Liêm còn là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu, phản ánh nét tài hoa, khéo léo của con người nơi đây. Đó là các làng nghề: May Cổ Nhuế, bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh, nghề làm đậu phụ, bánh chưng, bánh tẻ Thượng Cát; nghề trồng hoa Tây Tựu, làng nghề sinh vật cảnh Đông Ngạc... Nơi đây còn được biết đến với nhiều món ăn và đặc sản nức tiếng làm nên thương hiệu cho ẩm thực Hà Nội, như giò Chèm, nem Vẽ; bánh khoai phồng, bánh sấy Đông Ngạc; bánh giầy, bánh đúc làng Kẻ; hồng xiêm Xuân Đỉnh, cam Canh, bưởi Diễn; dưa Đăm...
Nhắc đến Bắc Từ Liêm còn phải nhắc tới vùng đất khoa bảng, nơi có số người đỗ đạt và giữ các chức vị quan trọng trong các triều đại suốt từ thời Lý đến triều nhà Nguyễn. Tiêu biểu nhất là làng khoa bảng Đông Ngạc có tới 401 người đỗ từ tú tài đến bảng nhãn, trong đó có 25 vị đỗ từ tiến sĩ trở lên. Vì thế, dân gian có câu: “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” để nói về vùng đất hiếu học này.
Hệ thống di sản phong phú trên chính là nguồn lực văn hóa, là động lực tạo nên sự đột phá trong việc phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển chung của Bắc Từ Liêm.
Phát triển du lịch theo hướng bền vững, sáng tạo
Trong bối cảnh đô thị hóa, phát triển đô thị cùng chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo của Hà Nội, việc phát triển du lịch theo hướng bền vững, sáng tạo là một trong những mục tiêu quan trọng nhất.
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương khẳng định, quận đặc biệt coi trọng việc phát triển loại hình du lịch văn hóa, lấy đây là nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác. “Hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn Bắc Từ Liêm là sức mạnh nội sinh tạo nên yếu tố cạnh tranh và sự đột phá cho việc phát triển du lịch bền vững” - bà Hương nói.
Mặc dù sở hữu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc nhưng việc khai thác, phát triển du lịch gắn với nguồn lực này ở Bắc Từ Liêm còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do chưa định hình được sản phẩm đặc thù và thị trường khách trọng tâm; sản phẩm và dịch vụ phục vụ khách chưa đa dạng, thiếu tính độc đáo, chưa mang lại giá trị kinh tế; chưa có sự tham gia của cộng đồng cũng như sự vắng bóng của các doanh nghiệp lữ hành trong việc đưa khách tới. Bên cạnh đó, công nghiệp văn hóa mới được hình thành, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, dàn trải; chưa có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động sáng tạo văn hóa; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu và yếu...
Để phát huy giá trị của hệ thống di sản văn hóa gắn với khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn quận, TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) cho rằng, Bắc Từ Liêm cần xác định các giá trị văn hóa cốt lõi để hình thành các không gian văn hóa lịch sử, trong đó điểm nhấn là khu vực Làng khoa bảng Đông Ngạc cùng di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm. Đây sẽ là một không gian mang tính biểu tượng văn hóa của Bắc Từ Liêm, nơi các nhà thiết kế, cộng đồng sáng tạo ứng dụng công nghệ, thành tựu khoa học, kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa và du lịch đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Song song với đó, cần khai thác tốt tuyến sông Hồng chảy qua địa phận và kết nối với các địa phương lân cận nhằm hình thành các tour du lịch đường sông; khai thác vùng ven sông và mặt nước sông Hồng trở thành các không gian sáng tạo kết hợp với các tuyến đường đi bộ, cầu gỗ ven sông, sân khấu trên mặt nước để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, Bắc Từ Liêm có thể xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng dựa trên ưu thế về văn hóa, như kết nối di sản không gian văn hóa hồ Tây với làng Đông Ngạc, đình Chèm; tour trải nghiệm “Tìm về đạo học” kết nối làng Đông Ngạc với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tour “Tìm về miền kết chạ” với Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai...
Để khai thác tối đa “vốn” văn hóa trong phát triển du lịch, TS Đinh Văn Viễn, khoa Du lịch học (Đại học Hoa Lư, Ninh Bình), cho rằng, Bắc Từ Liêm cần nghiên cứu, sắp xếp các điểm đến thành sản phẩm, tour tuyến mới, trong đó cần chú ý tới làng hoa Tây Tựu và các điểm đến nổi bật khác. Có thể xây dựng khu vực trung tâm du lịch đêm tại làng Đông Ngạc hoặc tại các phường Thụy Phương, Thượng Cát... Đây là nơi tổ chức các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, giới thiệu văn hóa ẩm thực và dịch vụ ăn uống về đêm nhằm thu hút du khách. Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình chợ hoa đêm Tây Tựu trở thành một điểm tham quan hấp dẫn để du khách có thể tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc hoa cũng như mua bán sản phẩm tại chợ, qua đó nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm truyền thống của Làng nghề trồng hoa Tây Tựu.
Nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, PGS.TS Lại Xuân Thủy (Học viện Phụ nữ Việt Nam) đề cập đến việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng dân cư bởi đây là nguồn lực chủ yếu trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, đồng thời cũng là “sợi dây kết nối” du khách với hệ thống di sản văn hóa của địa phương. Để người dân tham gia phát triển du lịch, quận Bắc Từ Liêm cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích họ cung cấp các dịch vụ ăn uống, lưu trú; hướng dẫn du khách trải nghiệm văn hóa, nếp sống bản địa; sản xuất hàng thủ công truyền thống để phục vụ khách... Song song với đó, cần bồi dưỡng cho họ kiến thức, kỹ năng đón tiếp khách; hỗ trợ xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng; liên kết với doanh nghiệp lữ hành để đưa khách tới; tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững thông qua việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan...