Liên minh châu Âu tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với các quốc gia vùng Vịnh
Ngày 16-10, Liên minh châu Âu (EU) tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với 6 quốc gia vùng Vịnh gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Đây là một phần trong nỗ lực ngoại giao của EU nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để cô lập Nga.
Mục đích của cuộc họp với 6 quốc gia Arab giàu có trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) là nhằm công nhận tầm ảnh hưởng của các quốc gia này, đặc biệt là trong các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông và làm cho mối quan hệ hai bên mang tính chiến lược hơn. Một quan chức cấp cao của EU cho biết, khu vực vùng Vịnh nằm ở ngã ba đường giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay.
Quan hệ đối tác của EU với 6 quốc gia vùng Vịnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại và đầu tư, năng lượng tái tạo, an ninh, thị thực… Các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do EU - GCC, bắt đầu từ 35 năm trước, đã bị đình chỉ kể từ năm 2008 do bất đồng về tính công khai của các cuộc đấu thầu và về các sản phẩm dầu mỏ. Tuy nhiên, các quan chức EU cho biết vẫn còn những con đường khác cho hợp tác thương mại và đầu tư.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, EU đã liên hệ với các khối khu vực khác, tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tháng 12-2023 và với Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) tháng 7-2023. Mặc dù EU muốn các đối tác tại vùng Vịnh nhất trí sử dụng ngôn từ mạnh mẽ về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine, song một số quốc gia Arab vẫn duy trì lập trường trung lập.