Nhật Bản trước thềm tổng tuyển cử năm 2024: Thử thách vượt "vũ môn"
Cuộc tổng tuyển cử ở Nhật Bản chính thức bước vào giai đoạn nước rút. Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền đặt mục tiêu giành chiến thắng trước các đảng đối lập, qua đó củng cố uy tín và duy trì thế đa số của liên minh cầm quyền.
Giới quan sát nhận định, cuộc tổng tuyển cử lần này có thể xem là thử thách vượt "vũ môn" để Nhật Bản củng cố lại hệ thống chính trị, tạo tiền đề cần thiết thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản - tổng tuyển cử - lần thứ 50 (năm 2024) chính thức khởi động với việc chốt danh sách 1.344 ứng cử viên, cao hơn đáng kể so với con số 1.051 ứng cử viên đăng ký tại cuộc bầu cử năm 2021. Theo The Japan News, cuộc bầu cử năm nay chứng kiến tỷ lệ nữ tham gia tranh cử đạt kỷ lục chiếm 23,36%, cũng là lần đầu tiên vượt mốc 300 ứng cử viên nữ.
Số lượng khu vực bầu cử có sự điều chỉnh theo quy mô dân cư của 15 địa phương theo nguyên tắc “10 tăng, 10 giảm". Theo đó, 5 tỉnh tăng tổng số 10 ghế trong Hạ viện gồm: Tokyo tăng thêm 5 ghế, Kanagawa thêm 2 ghế, Saitama, Chiba và Aichi mỗi tỉnh thêm 1 ghế. Trong khi đó, có 10 địa phương mỗi địa phương giảm 1 ghế gồm: Hiroshima, Miyagi, Niigata, Fukushima, Okayama, Ehime, Nagasaki, Wakayama, Yamaguchi, Shiga.
Diễn biến mới là hệ quả từ việc Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru ngày 9-10 đã tuyên bố giải tán Hạ viện, mở đường cho việc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Nhiệm kỳ hiện tại của các thành viên Hạ viện kết thúc vào tháng 10-2025 và sẽ phải tổ chức bầu cử vào thời điểm đó. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Nhật Bản, Thủ tướng có thẩm quyền giải tán Hạ viện. Việc Hạ viện Nhật Bản giải tán diễn ra chỉ 8 ngày sau khi Thủ tướng Ishiba Shigeru nhậm chức, được coi là động thái nhanh nhất của một nhà lãnh đạo thời hậu chiến.
Trong cuộc bỏ phiếu, dự kiến tổ chức vào ngày 27-10 tới, cử tri Nhật Bản sẽ bầu ra 465 ghế của Hạ viện gồm 289 ghế của khu vực bầu cử và 176 ghế của đại diện tỷ lệ. Trong chiến dịch tranh cử có thể kéo dài 12 ngày, các ứng cử viên sẽ thực hiện một loạt chương trình vận động bầu cử, trong đó tập trung vào những chủ đề chính như biện pháp tăng trưởng kinh tế, cải cách chính trị.
Theo giới quan sát, sự kiện lần này đặc biệt quan trọng, sau 3 năm cử tri Nhật Bản có thể lựa chọn ra người đại diện cho tiếng nói của mình trong cơ quan lập pháp. Lần tổng tuyển cử gần nhất của Nhật Bản được tổ chức ngay sau khi cựu Thủ tướng Kishida Fumio nhậm chức năm 2021.
Trọng tâm của cuộc tổng tuyển cử sẽ nằm ở việc liệu đảng cầm quyền LDP cùng các đồng minh có bảo đảm được đa số ghế và tiếp tục chính phủ liên minh của mình hay không, hay các đảng đối lập sẽ gia tăng quyền lực khi đảng cầm quyền không còn chiếm được đa số. Giành chiến thắng trước các đảng đối lập là mục tiêu chính trị quan trọng của liên minh do LDP dẫn dắt, trong bối cảnh lực lượng này gặp thất bại ở bầu cử Hạ viện bổ sung hồi tháng 4-2024 trước các đảng đối lập và lung lay uy tín do những bê bối về quỹ chính trị.
Một yếu tố nữa cũng được các nhà quan sát quan tâm là tỷ lệ cử tri đi bầu. Năm 2009 - năm LDP lên nắm quyền, tỷ lệ cử tri đi bầu Hạ viện là 69,28%. Khi LDP trở lại nắm quyền vào năm 2012, con số này đã giảm khoảng 10 điểm xuống còn 59,32%. Sau đó, tỷ lệ này tiếp tục dao động trong khoảng 50-55%, với cuộc bầu cử Hạ viện gần đây nhất vào năm 2021 đánh dấu 55,93%. Việc tỷ lệ cử tri đi bầu thấp dần là yếu tố báo động về việc suy giảm tính đại diện ý chí người dân của các ứng cử viên thắng lợi, đồng thời làm suy giảm uy tín chính trị của các đảng phái.
Dù đảng phái nào giành chiến thắng cuối cùng, cuộc bầu cử cũng sẽ là tiền đề quan trọng, mở đường cho việc thực thi nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ những thách thức lớn mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Kể từ sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội đất nước Hoa anh đào đã thay đổi đáng kể, với giá cả cao kỷ lục, dân số tiếp tục giảm với nhiều thách thức về an ninh và đối ngoại hiển hiện. Với chính phủ của Thủ tướng Ishiba Shigeru, chiến thắng của LDP và các đối tác đương nhiên sẽ mở toang cánh cửa cơ hội cho phép triển khai tốt nhất các chính sách đã đề ra.
Có thể nhận định, cuộc tổng tuyển cử lần này có thể xem là thử thách vượt "vũ môn" để Nhật Bản củng cố lại hệ thống chính trị, tạo tiền đề cần thiết thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào một quỹ đạo phát triển mới.