Du lịch

Tạo sức hút mới cho du lịch phố cổ

Hoàng Lân 17/10/2024 - 07:04

Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Hà Nội, khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm) luôn là nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Sau đại dịch Covid-19, diện mạo du lịch phố cổ có nhiều đổi khác khi hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng thị hiếu và xu hướng du lịch của du khách. Tuy vậy, so với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, du lịch phố cổ vẫn chưa phát huy hết giá trị.

vo-dien-thuc-canh-chuyen-p.jpg
Vở diễn thực cảnh “Chuyện phố hàng” tại ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoàng Quyên

Bất ngờ phố cổ lên đèn

Tối 9-10 vừa qua, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội giới thiệu vở diễn thực cảnh “Chuyện phố hàng” tại ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây. Chương trình mang đến bất ngờ lớn cho du khách khi chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, họ đã được trải nghiệm nhiều giác quan: Mùi hương của dược liệu, xem vở diễn về một gia đình làm nghề thuốc nam, thưởng thức chè sen, nghe chầu văn, tìm hiểu phong tục thờ cúng gia tiên của một gia đình Hà Nội truyền thống xưa…

Theo đạo diễn Lê Ánh Tuyết (Nhà hát Tuổi trẻ), vở diễn thực cảnh “Chuyện phố hàng” kể về phố nghề tại 36 phố phường Hà Nội. Câu chuyện đầu tiên là về một gia đình trung lưu Hà Nội những năm 1930 làm nghề thuốc truyền thống. Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ sử dụng ngôn ngữ kịch hình thể kết hợp với âm nhạc truyền thống như chầu văn để tái hiện cuộc sống, tính cách của người Hà Nội xưa. Còn theo Giám đốc Công ty Femor Nguyễn Quốc Tính - đơn vị sản xuất, vở diễn thực cảnh “Chuyện phố hàng” là sự tiếp nối cho dự án nghệ thuật đã được khởi động tại phố cổ Hà Nội từ 2 năm trước nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chưa được giới thiệu rộng rãi. “Chúng tôi kỳ vọng, vở thực cảnh sẽ tạo điểm nhấn đối với du lịch phố cổ, mang đến sự mới mẻ cho trải nghiệm của du khách về đêm”, ông Nguyễn Quốc Tính chia sẻ.

Nói về sản phẩm du lịch mới, Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, “Chuyện phố hàng” nằm trong dự án xây dựng chuỗi hoạt động biểu diễn tại phố cổ Hà Nội nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản của khu phố cổ, góp phần vào việc phát triển công nghiệp văn hóa, tăng sức hút cho du lịch Thủ đô. Trước đó, phố cổ Hà Nội cũng hình thành nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật buổi tối như: Không gian nghệ thuật tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm; chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” tại Trung tâm Giao lưu phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ)… được đông đảo du khách đón nhận.

Để không phí tài nguyên...

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, trên địa bàn quận có gần 200 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, thì riêng trong khu vực phố cổ có tới 121 di tích. Trong đó có một số di tích tiêu biểu như đền Bạch Mã, ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân, đền Quán Ðế, các nhà thờ Tổ nghề... Nơi đây còn nổi tiếng với các phố nghề truyền thống như phố Hàng Bạc với nghề chế tác, buôn bán kim hoàn; phố Hàng Mã với nghề hàng mã; phố Lãn Ông với nghề chế biến thuốc đông nam dược. Đặc biệt, khu vực phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Cầu Gỗ... là nơi quy tụ nhiều nhà hàng ẩm thực của người Hà Nội. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đánh giá, phố cổ Hà Nội lưu giữ nguồn tài nguyên văn hóa, kiến trúc phong phú để phát triển du lịch.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, sản phẩm du lịch phố cổ Hà Nội ngày càng phong phú, đa dạng. Ngoài những tour tham quan truyền thống, UBND quận Hoàn Kiếm đã phát triển nhiều sản phẩm tour mới, trong đó nổi bật là tour đêm như: Hoạt động phố đi bộ ở phố cổ vào cuối tuần; các điểm biểu diễn văn hóa vào buổi tối; phố ẩm thực… Mặc dù sở hữu nhiều tuyến du lịch có lợi thế để hút khách nhưng theo các chuyên gia, việc khai thác du lịch phố cổ vẫn chưa có sự đột phá. Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng đánh giá, phố cổ Hà Nội có nhiều lợi thế, nhưng cũng có hạn chế vì đường nhỏ hẹp, các điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật có diện tích nhỏ nên chỉ đón được lượng khách lẻ hoặc đoàn nhỏ. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, các tour phố cổ chủ yếu được các đơn vị khai thác đơn lẻ, thiếu tính kết nối.

Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch phố cổ, Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, cần phải có chiến lược truyền thông quảng bá những lợi thế, sản phẩm du lịch vào ban ngày và ban đêm, từ đó có kế hoạch kết nối các tuyến, điểm du lịch cho du khách. Còn Giám đốc Công ty Femor Nguyễn Quốc Tính gợi ý, cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn giữa đơn vị tổ chức và các đơn vị lữ hành, nhất là đơn vị chuyên khách quốc tế (Inbound).

Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã có các kế hoạch, đề án bảo tồn phát huy giá trị phố cổ. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, thời gian tới, quận sẽ phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các đơn vị, cá nhân tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của khu phố cổ, đồng thời tăng cường quảng bá, truyền thông để tăng sức hút du lịch phố cổ tới du khách.