Thúc đẩy các “trụ đỡ” bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Để triển khai một dự án điện khí trung bình cần 7-8 năm, điện gió ngoài khơi cần 7-10 năm. Do đó, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) kiến nghị cần sớm hoàn thiện cơ chế, nhất là cơ chế thu hút đầu tư.
Cần cơ chế thí điểm cho điện gió ngoài khơi
Sáng 16-10, Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW”.
Ngày 21-10 tới, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc kỳ họp thứ tám. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, việc thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vào Luật Điện lực sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực tại Việt Nam.
Do đó, với các hội nghề nghiệp, cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp năng lượng, đây là giai đoạn quan trọng để cùng trao đổi các luận cứ, các đánh giá cả về pháp lý và thực tiễn và cùng rà soát để đưa ra các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Điện lực, mà trong đó các cơ chế chính sách đang cần được gấp rút xây dựng và trình Quốc hội ban hành.
Tại Tọa đàm, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) kiến nghị Dự thảo Luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định phân kỳ các giai đoạn phát triển của ngành; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp thẩm quyền, thủ tục phê duyệt chủ trương; phát triển thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Từ thực tế có nhiều vướng mắc trong phát triển điện gió ngoài khơi, Tiến sĩ Dư Văn Toán, chuyên gia năng lượng tái tạo, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất có cơ chế để phục vụ dự án thí điểm, cụ thể ở quy mô từ 1.000 - 2.000MW, đồng thời quy định thời gian, giá cả triển khai.
Một lĩnh vực khác được Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) xác định dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng là điện khí. Ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) kiến nghị, từ bài học của Dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, cần rút kinh nghiệm cho các dự án LNG về sau, trong đó về tài chính, các dự án bắt buộc phải có hợp đồng mua bán điện PPA (Power Purchase Agreement).
Trao đổi thêm về vướng mắc của điện khí, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII, các nhà đầu tư dự án điện khí LNG đang thực hiện theo hướng đầu tư kho cảng nhập LNG riêng lẻ, phân tán theo cấu hình một nhà máy, một kho cảng. Điều này không thể tối ưu chi phí để giảm giá thành điện, rủi ro không kịp thời triển khai các dự án, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Do đó, PV GAS kiến nghị xem xét cụ thể hóa trong Luật Điện lực về cơ chế xây dựng các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên, LNG theo chuỗi gắn với kho cảng khí hóa lỏng trung tâm để tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu và bảo đảm hiệu quả của Nhà nước.
Sửa đổi Luật Điện lực: Tập trung xử lý tối đa các vấn đề phát sinh
Đồng tình với kiến nghị của các đơn vị thành viên, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang cho biết, để triển khai một dự án điện khí trung bình cần 7-8 năm, điện gió ngoài khơi cần 7-10 năm, do đó, cần sớm hoàn thiện cơ chế, nhất là cơ chế thu hút đầu tư.
“Bản chất các nguồn điện giá rẻ đã phát triển ở mức giới hạn, cần phải tính đến điện khí và các nguồn điện năng lượng mới. Do đó, cần cơ chế đầu tư và vận hành thông thoáng, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường điện. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Petrovietnam mà còn là điều kiện cần thiết để tất cả doanh nghiệp tham gia thị trường điện nói chung và điện năng lượng mới nói riêng”, ông Phan Tử Giang kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện đang thiếu cơ chế chính sách để thúc đẩy điện khí trở thành “trụ đỡ” cơ cấu nguồn điện của nước ta đến năm 2030. Nếu “trụ đỡ” không được tạo cơ chế phát triển thì chắc chắn sẽ “sập”, gây ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.
Tiếp thu các ý kiến tại Tọa đàm, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) trao đổi, dự thảo Luật đã qua bản cập nhật thứ 5, quá trình xử lý giải quyết tiếp thu, có sàng lọc nhiều kiến nghị. Tuy nhiên, trong phát triển điện lực nói riêng và năng lượng nói chung, các vướng mắc còn đa dạng.
“Cơ quan soạn thảo sẽ nỗ lực giải quyết theo hướng tập trung xử lý tối đa các vấn đề phát sinh, thể chế hóa đường lối, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nội dung nào chưa được tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn, cơ quan soạn thảo sẽ áp dụng các quy định có tính khái quát và ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn dưới Luật”, ông Dương cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập kết luận, các ý kiến góp ý tại Tọa đàm sẽ được Hội Dầu khí Việt Nam làm căn cứ thực tế xác đáng để tiếp tục có văn bản đóng góp tới cơ quan soạn thảo, góp phần rà soát vướng mắc về pháp lý và hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.