Văn hóa

Tìm lối đi bền vững cho bảo tàng tư nhân

Bảo Nam 16/10/2024 - 13:10

Theo thống kê, hiện toàn quốc có hơn 60 bảo tàng ngoài công lập, không ít trong số đó có quy mô ngang với bảo tàng nhà nước. Điều này tạo nên một diện mạo mới trong lĩnh vực bảo tồn di sản tư liệu, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản quốc gia.

Thế nhưng, mở bảo tàng tư nhân không phải là chuyện dễ dàng. Những năm qua, không ít bảo tàng tư nhân mở ra với vốn đầu tư lớn nhưng phải dẹp bỏ vì nhiều lý do khác nhau.

bao-tang.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên với du khách.

Vướng mắc trăm bề

Dù đã được cấp phép xây dựng Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội từ nhiều năm nay nhưng đến thời điểm hiện tại, bà Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội vẫn loay hoay tìm mảnh đất ưng ý để xây dựng bảo tàng.

Theo bà Hòa, các bảo tàng tư nhân gặp khó trăm bề - về kinh phí hoạt động, về năng lực quản lý, và hạn chế lớn nhất là không có đất. Mặt khác, do đa phần bảo tàng tư nhân nằm ở những vị trí xa trung tâm, giao thông không thuận tiện nên gặp khó trong việc thu hút khách. Cũng vì lượng khách còn ít nên chủ sở hữu các bảo tàng tư nhân mới chỉ chú trọng xây bảo tàng mà chưa có dịch vụ ăn nghỉ đi kèm.

“Khó khăn cũng nằm ở chỗ các chủ sở hữu tư nhân hiện vẫn bị ràng buộc bởi nhiều quy định, tính tư nhân và tư hữu bảo tàng cũng chưa được định chế hóa, ngoài ra, bảo tàng tư nhân ít nhận được sự bảo trợ về kinh tế ” - bà Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ.

Họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ cũng nhận định: “Làm bảo tàng trăm thứ khó, thực tế, những năm qua, có không ít bảo tàng tư nhân mở ra, vốn đầu tư lớn nhưng rồi lỗ nặng nề. Một trong những hướng đi hiệu quả của bảo tàng nói chung và bảo tàng tư nhân nói riêng là liên kết du lịch nhằm thu hút khách, nhưng hoạt động này còn đang yếu. Nguyên nhân là cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho loại hình bảo tàng này chưa nhiều, các bảo tàng tư nhân luôn phải tự tìm hướng duy trì, phát triển. Các chương trình trưng bày, triển lãm, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng phần nhiều do bảo tàng tự trang trải kinh phí nên còn nhiều eo hẹp. Luật Di sản văn hóa hiện hành thừa nhận mô hình bảo tàng ngoài công lập, tuy nhiên, ngoài quy định này thì trong Luật không có quy định riêng nào dành cho bảo tàng ngoài công lập. Việc không có những quy định, ưu đãi riêng dành cho mô hình bảo tàng ngoài công lập là một trong những khó khăn khiến mô hình bảo tàng tư nhân khó phát triển”.

Là người tiên phong trong việc lập bảo tàng tư nhân ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên nhấn mạnh, việc thành lập bảo tàng tư nhân không khó, nhưng duy trì và phát triển hoạt động mới thực sự khó. Nhiều bảo tàng đã teo đi nhanh chóng sau khi thành lập chỉ vì sự thiếu chuyên nghiệp.

Để hệ thống bảo tàng tư nhân hoạt động hiệu quả, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nên thành lập các quỹ văn hóa của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, và quỹ của các tổ chức phi chính phủ. Bên cạnh đó, giám đốc các bảo tàng tư nhân cũng cần năng động hơn trong việc liên kết với các công ty lữ hành. Sự kết hợp đôi bên cùng có lợi này góp phần tạo ra sản phẩm văn hóa đa dạng, góp phần bồi đắp hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam. Để có được điều này, các bảo tàng cần thay đổi về cách trưng bày và cung cấp thông tin. Sự sinh động, hấp dẫn là yếu tố cơ bản để thu hút khách.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, những bảo tàng tư nhân nằm rải rác ở các địa phương rất phù hợp để các trường phổ thông trên địa bàn tổ chức cho học sinh tham quan.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ rằng, từ lâu ông đã mong muốn sớm thành lập Hiệp hội các bảo tàng ở Việt Nam. Đây là một hội nghề nghiệp mà ở các nước phát triển đang hoạt động khá hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên có Hiệp hội bảo tàng tư nhân. Các bảo tàng tư nhân thực chất đang phải tự kiếm sống, tạo nguồn thu để hoạt động, khác với bảo tàng nhà nước. Vì thế, nếu có một Hiệp hội bảo tàng tư nhân cùng chung tay bảo vệ quyền lợi của nhau, giúp nhau trong mọi khía cạnh… thì sẽ tăng được hiệu quả hoạt động của cả hai hệ thống bảo tàng.

bao-tang-1.jpg
Du khách đến với Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ.

Hy vọng từ sửa đổi Luật Di sản văn hóa

TS Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, tuy ít ỏi nhưng bảo tàng tư nhân đã, đang có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo quản và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Khi chưa có cơ chế ưu đãi, các bảo tàng tư nhân phải hoàn toàn tự lo kinh phí từ nguồn đầu tư của các cá nhân, dẫn tới những khó khăn trong việc tổ chức trưng bày, bảo quản hiện vật, đón khách tham quan. Đây cũng là “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển của các bảo tàng tư nhân. Nhiều bộ sưu tập quý giá của các cá nhân chưa phát huy được giá trị, không có điều kiện để giới thiệu rộng rãi. Bởi vậy, khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa, rất cần có quy định cụ thể, thiết thực để phát triển bảo tàng tư nhân. Những quy định riêng đó liên quan tới điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, hoạt động, chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển bảo tàng tư nhân.

Đồng quan điểm đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, phát triển bảo tàng tư nhân ở Việt Nam là cần thiết. Để nâng cao vai trò của các bảo tàng này, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tàng tư nhân là rất quan trọng. Chúng ta cần tổ chức các chương trình tuyên truyền, hội thảo và triển lãm để giáo dục mọi người về vai trò của bảo tàng trong việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử. Sự hợp tác giữa các bảo tàng tư nhân với các cơ quan nhà nước, tổ chức văn hóa và các trường đại học cũng sẽ tạo ra cơ hội cho nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố cốt lõi là cần hoàn thiện Luật Di sản văn hóa. Theo đó, các quy định pháp lý rõ ràng sẽ đảm bảo cho bảo tàng tư nhân được đối xử bình đẳng với bảo tàng công. Cần có cơ chế giám sát hiệu quả để đảm bảo các bảo tàng tư nhân tuân thủ quy định về bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo trong trưng bày.

Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, việc tạo ra các chính sách hỗ trợ tài chính cho bảo tàng tư nhân là cần thiết. Các quỹ đầu tư, trợ cấp và hướng dẫn để tiếp cận nguồn lực tài chính sẽ là động lực lớn cho các tổ chức này. Chúng ta cũng nên giảm thuế cho các bảo tàng tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận mặt bằng, không gian trưng bày. Quy hoạch đất đai linh hoạt sẽ giúp bảo tàng tư nhân phát triển một cách bền vững.

Một yếu tố không thể thiếu là phát triển mô hình đối tác công tư. Tạo cơ chế hợp tác giữa bảo tàng tư nhân và các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa và giáo dục cộng đồng sẽ tăng cường sự kết nối và nâng cao giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, xây dựng các nền tảng kết nối giữa bảo tàng tư nhân và các tổ chức văn hóa, giáo dục cũng rất quan trọng.

Cuối cùng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và trưng bày di sản văn hóa, cùng với các chiến lược truyền thông hiệu quả để quảng bá hình ảnh và giá trị của bảo tàng tư nhân sẽ giúp thu hút du khách và tạo nguồn thu ổn định cho các bảo tàng. Những giải pháp này đều hướng tới việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đồng thời khẳng định vị trí của bảo tàng tư nhân trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.