Đời sống

“Bỏ phố, về làng” đang trở thành xu hướng

Bảo Minh 16/10/2024 - 13:10

Trong bối cảnh không khí ô nhiễm, hạ tầng quá tải, giá nhà liên tục leo thang, nhiều người Hà Nội có xu hướng chuyển ra ngoại thành sinh sống.

Nhiều người trẻ sẵn sàng “mua nhà ở ngoại thành, làm việc ở nội thành” để tận hưởng cuộc sống thư thái hơn... “Bỏ phố, về làng” đang trở thành xu hướng được nhiều người đón nhận bởi nó vừa giải quyết bài toán về giá nhà, vừa đáp ứng được nhu cầu có không gian sống xanh, giảm khói bụi, tiếng ồn.

song-xanh.jpg
Ecopark - dự án khu đô thị nằm ở ngoại thành đã đánh trúng vào mơ ước về một ngôi nhà có không gian thoáng đãng, không ô nhiễm của người dân.

Khi “nhất cận thị...” không còn phù hợp

Ngày trước, mỗi khi chọn mua đất, cất nhà, người Việt thường quan niệm “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” với ngụ ý ngôi nhà vừa là nơi sinh sống, vừa là nơi có thể khai thác lợi nhuận. Với suy nghĩ nhà càng gần trung tâm thành phố càng tốt, đa số cố gắng làm việc, tích góp để đưa gia đình vào sinh sống gần khu vực trung tâm, ngay cả khi không hề có nhu cầu kinh doanh tại gia. Thậm chí, để bám trụ gần trung tâm thành phố, không ít người chấp nhận một căn chung cư giá rẻ hay một ngôi nhà ống diện tích nhỏ. Những mảnh đất ngoại thành, nếu mua cũng chỉ là nhắm mục tiêu đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, gần đây, một quan niệm mới về lựa chọn nơi an cư đã hình thành. Theo đó, khu trung tâm với đặc điểm giới hạn về diện tích và những phiền phức đến từ môi trường ô nhiễm, hạ tầng quá tải... đã không còn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người.

Ông Đinh Công Thành và bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất) kể rằng, từ khi ông bà quyết định bán căn nhà rộng 50m2 ở phố Phương Mai (quận Đống Đa) để mua mảnh đất rộng rãi và xây một căn nhà ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), chất lượng cuộc sống của ông bà đã hoàn toàn thay đổi. Mỗi buổi sáng, ông bà thường dậy từ 5h, đạp xe hoặc đi bộ quanh làng, sau đó về trồng rau, nuôi gà, thả cá. Cuộc sống an nhàn, hòa mình với thiên nhiên khiến hai ông bà như “khỏe ra chục tuổi”.

Khác với gia đình ông bà Thành - Tuyết, nghỉ hưu mới về quê làm vườn sinh thái, gia đình anh Nguyễn Trung Hưng (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) quyết định ra ngoại thành sống từ khi còn trẻ. Anh Hưng chia sẻ: “Với sự phát triển của giao thông như hiện nay, tôi nghĩ việc đi - về giữa ngoại thành và trung tâm thành phố không phải vấn đề quá lớn. Ngôi nhà ngoại thành với không khí trong lành, yên tĩnh trở thành “trạm sạc năng lượng” để gia đình tôi trở về nội thành học tập, làm việc tốt hơn. Thêm vào đó, lý do khiến chúng tôi chọn sống ở xa trung tâm chính là tài chính. Với số tiền khoảng 4 tỷ đồng, để mua một căn chung cư ở trung tâm thành phố thì diện tích sẽ rất nhỏ hoặc chỉ có thể lựa chọn các căn nhà liền kề trong những con ngõ nhỏ chật chội. Còn nếu mua ở ngoại thành thì diện tích sẽ rộng hơn, chi phí ở khu vực này cũng hợp lý hơn”.

Bên cạnh việc tìm mua nhà tại các dự án đô thị ngoại thành, nhiều người thành đạt tìm kiếm các lô đất có diện tích lớn ở xa trung tâm thành phố để xây dựng trang trại nghỉ dưỡng cho gia đình. Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Bất động sản “đón đầu” xu hướng

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nhận định, xu hướng sống xanh và sự dịch chuyển cư dân ra khu vực ven đô là đúng quy luật của thị trường. Động lực của phân khúc này được tạo ra bởi sự thay đổi về tâm lý xã hội, những tác động từ văn hóa sống mới.

Đón đầu xu hướng này, nhiều dự án khu đô thị nằm ở ngoại thành đã xuất hiện, đánh trúng vào mơ ước về một ngôi nhà có không gian thoáng đãng của người dân. Điển hình là khu đô thị xanh Ecopark. Năm 2012, giá bán một căn biệt thự khu Vườn Tùng hay Vườn Mai (giai đoạn 1) có diện tích 250m2 chỉ vào khoảng trên dưới 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, giá nhà ở Ecopark đã tăng gấp 3 - 5 lần tùy từng dự án. Có được sự ủng hộ nhiệt tình này là do Ecopark là khu đô thị xanh lớn nhất Việt Nam với diện tích cây xanh mặt nước hơn 100ha; hơn 1 triệu cây xanh...

Những năm gần đây, các huyện ngoại thành đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Sự tiến bộ của hệ thống giao thông công cộng và sự cải thiện về chất lượng đường tại các huyện ngoại thành đã giúp việc sống và làm việc ở vùng ven trở nên hấp dẫn hơn. Những dự án biệt thự/ nhà liền kề mới với quy mô lớn như Vinhomes Wonder Park ở Đan Phượng, BRG - Sumitomo Smart City ở Đông Anh, Xuân Mai Smart City ở Chương Mỹ, hay hai khu đô thị của Vinhomes ở Hòa Lạc... xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt, trước đây người dân ngại mua nhà bên kia sông Hồng, phía khu vực huyện Gia Lâm. Nhưng giới trẻ hiện nay đã không ngại sang đó để tìm nơi sống tốt hơn. Theo các chuyên gia, khu vực phía Đông được quy hoạch bài bản hơn về đô thị, hạ tầng. Vấn đề hạ tầng, nhất là giao thông (kể cả nội bộ và liên kết vùng) được các cấp chính quyền cơ sở chú trọng. Bên cạnh đó, khi dự án đường Vành đai 4 và hệ thống cầu vượt sông Hồng được hoàn chỉnh, việc kết nối với nội thành và kết nối vùng, kết nối liên tỉnh hết sức thuận lợi.

Đặc biệt, đầu tháng 6-2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung, với quy mô 668ha ở các huyện ngoại thành. Trong đó, dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) có quy mô 169ha, với các tòa nhà cao 7 - 9 tầng, phục vụ khoảng 13.500 người. Dự án tại xã Tân Tiến cũng tại huyện Chương Mỹ rộng khoảng 127ha, quy mô dân số 15.750 người. Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - nhà ở xã hội Thành phố Kết nối xanh Green Link City tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, có quy mô khoảng 210.000m2 sàn, 3.200 căn hộ. Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - nhà ở xã hội tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm có quy mô khoảng 152.000m2 sàn, 2.400 căn hộ...

Cũng theo dữ liệu về thị trường bất động sản của Batdongsan.com.vn, nửa đầu năm 2024, đất nền ở Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai ghi nhận nhu cầu tìm mua tăng cao, kéo theo giá rao bán đất nền tại các huyện này tăng từ 4% - 24% so với nửa cuối năm 2023.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cảnh báo: “Chúng ta cần tránh bài học “thành phố ma” tại các quốc gia như Trung Quốc, Congo, nơi mà chính phủ bỏ tiền đầu tư xây dựng các khu đô thị lớn ở ngoại thành để đón đầu xu thế nhưng sau đó dân không về ở. Tương tự như tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác, có nhiều khu đô thị đã xây dựng xong rồi nhưng không có người về ở vì không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của con người như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nơi khám, chữa bệnh, chợ dân sinh, trường học các cấp, trường dạy nghề, khu vui chơi văn hóa, thể thao, công viên, các tuyến xe buýt kết nối với nội đô... Chính vì thế, để đón đầu xu thế này, phải có quy hoạch tổng thể, chi tiết, đồng bộ và những quy hoạch này phải có tính khả thi, có nguồn lực để thực hiện”.

Đặc biệt, phân tích hệ lụy từ các phiên đấu giá đất mới đây tại các huyện Hoài Đức, Thanh Oai (Hà Nội), ông Nguyễn Hữu Cường cho biết, mức đấu giá cao bất thường sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho người mua nhà, doanh nghiệp đầu tư ở ngoại thành. Cụ thể, người dân có nhu cầu mua nhà ngoại thành thật sẽ rất khó mua trong giai đoạn này khi người bán sẽ nương theo hoạt động này mà tăng giá lên so với giá trị thị trường. Hệ lụy tiếp theo là các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước khi thực hiện các dự án lớn tại ngoại thành sẽ khó khăn hơn trong việc giải phóng mặt bằng và thậm chí vốn sẽ đội lên nhiều lần khi chi phí bất ngờ tăng theo kết quả đấu giá. Do đó, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia đấu giá. Cần đánh giá chính xác giá trị thực tế của bất động sản và các yếu tố rủi ro liên quan chứ không chỉ dựa vào kỳ vọng về sự gia tăng giá trong tương lai.