Thế giới

EU sẽ thắt chặt quy định về di cư dưới áp lực từ các chính phủ

Kim Phượng 16/10/2024 - 06:41

Trong nhiệm kỳ mới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất các biện pháp nhằm thắt chặt quy định của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề di cư, ứng phó với áp lực từ các chính phủ trên khắp khối - những quốc gia mà tình trạng nhập cư bất hợp pháp đã trở thành vấn đề chính trị và an ninh lớn.

eu.png
Một cảnh sát cầm biển báo dừng tại biên giới Đức với Đan Mạch, vì tất cả biên giới đất liền của Đức đều phải chịu sự kiểm soát ngẫu nhiên để bảo vệ an ninh nội bộ và giảm tình trạng di cư bất hợp pháp. Ảnh: Reuters

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã viết thư cho các nhà lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 17 và 18-10 rằng, EC dự định thảo luận 10 vấn đề để giúp 27 quốc gia thành viên giải quyết những thách thức về di cư.

Trong nhiệm kỳ tới, Ủy ban sẽ tiếp tục đảm bảo giữ vững lập trường công bằng và kiên định về vấn đề di cư, giải quyết những gì được cho là thách thức của châu Âu. Nhiệm kỳ mới của EC có thể sẽ bắt đầu vào ngày 1-12.

Số lượng người di cư bất hợp pháp đến châu Âu năm ngoái chỉ chiếm chưa đến 1/3 trong số 1 triệu người của cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Tuy nhiên, di cư vẫn là chủ đề rất nhạy cảm ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở hầu hết các nước châu Âu và thúc đẩy sự ủng hộ của cử tri cực hữu.

Cảnh giác với phản ứng dữ dội của dư luận về vấn đề di cư bất hợp pháp trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 9 năm sau, Đức đã áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới với tất cả các nước láng giềng, đình chỉ quyền tự do của khu vực Schengen. Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Áo, Italia và Slovenia cũng đã áp dụng biện pháp kiểm tra biên giới.

Ba Lan, quốc gia sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 5, muốn tạm thời đình chỉ quyền tị nạn đối với những người di cư vượt biên từ Belarus, một động thái mà nhiều người coi là vi phạm hiến chương về các quyền cơ bản của EU. Đối mặt với tình trạng người di cư tràn qua biên giới từ Nga, Phần Lan đã đình chỉ quyền tị nạn này vào tháng 7.

Vào tháng 5, EU đã nhất trí về một bộ quy tắc và quy trình mới để giải quyết vấn đề di cư, được gọi là Hiệp ước Di cư, nhưng bộ quy tắc sẽ chính thức có hiệu lực vào giữa năm 2026, khiến khối này rơi vào giai đoạn chuyển tiếp phức tạp.

Trong bức thư gửi các nhà lãnh đạo châu Âu, bà Ursula von der Leyen đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện hiệp ước để giúp các chính phủ quản lý tốt hơn hệ thống đăng ký và tiếp nhận. Bà von der Leyen cho rằng, điều này sẽ giúp ích cho các thủ tục xin tị nạn trong các trường hợp liên quan đến an ninh và các yêu cầu xin tị nạn vô căn cứ hoặc lạm dụng tại biên giới, đồng thời thu hẹp lỗ hổng giữa các quy trình xin tị nạn và hồi hương.

Chủ tịch EC cũng đề xuất đạt được nhiều thỏa thuận hơn với các quốc gia mà người di cư xuất phát hoặc quá cảnh để ngăn chặn họ ở lại đó, tương tự như các thỏa thuận của EU với Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia hoặc Libya, những quốc gia mà chính phủ nhận tiền từ EU để hạn chế tình trạng vượt biên trái phép và buôn lậu.

Chủ tịch EC đề cập đến Ai Cập, Morocco, Algeria, Mauritania, Senegal và Mali là những quốc gia mà EU nên hợp tác. Trong một chính sách thay đổi hoàn toàn so với những năm trước, bà đề xuất rằng, những người di cư không có quyền ở lại EU sẽ được gửi đến các "trung tâm hồi hương" ở các quốc gia bên ngoài EU, nơi mà khối này sẽ đạt được thỏa thuận.

Bà Ursula von der Leyen trích dẫn một thỏa thuận giữa Italia và Albania như một mô hình khả thi, theo đó Rome có thể gửi tới 36.000 người di cư bất hợp pháp mỗi năm đến hai cơ sở ở Albania, nơi họ sẽ chờ trục xuất. Con tàu Italia đầu tiên chở người di cư đến Albania đã khởi hành hôm 14-10.

Chính sách hồi hương của EU sẽ được xem xét lại để đảm bảo rằng những người di cư bị trục xuất khỏi một quốc gia EU không chỉ đơn giản là di dời đến một quốc gia khác để tránh bị trục xuất. Cũng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn đối với những cá nhân gây ra rủi ro an ninh.