Giá điện tăng tác động thế nào đến lạm phát và sản xuất, kinh doanh?
Từ ngày 11-10, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 4,8%. Theo chuyên gia, mức tăng giá trên tác động không nhiều đến lạm phát, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, song cần ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”.
Không tác động nhiều đến lạm phát
Từ ngày 11-10, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức 2.006 đồng/kWh lên mức 2.103 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng hơn 96,32 đồng/kWh, tương đương với mức tăng 4,8%, đánh dấu lần điều chỉnh thứ 3 kể từ năm 2023.
Trước đó, vào năm 2023, giá điện đã có 2 lần điều chỉnh, lần thứ nhất vào ngày 4-5 với mức tăng hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%). Lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 9-11, với mức tăng 86 đồng/kWh (tương ứng 4,5%).
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam cho biết, việc tăng giá điện lần này dự kiến làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,04%.
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, việc tăng giá điện không gây áp lực lớn lên lạm phát, song cần ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, từ cuối năm 2023, khi dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2024, nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý đã tính đến việc tăng giá điện. Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 2 tháng nên việc tăng giá điện chỉ tác động nhỏ đến CPI. Năm 2024, việc kiểm soát lạm phát sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, giá điện tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng do giá điện là chi phí đầu vào của sản xuất. Việc tăng giá điện trước hết có thể làm giá dịch vụ tiêu dùng ăn uống tăng lên. Với kinh nghiệm theo dõi thị trường nhiều năm qua, vị chuyên gia này cho rằng, tình trạng “té nước theo mưa” mỗi khi tăng giá mặt hàng thiết yếu là có.
“Để ngăn chặn hành vi này, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt, bảo đảm kiểm soát CPI năm 2024 từ 4 đến 4,5%. Đồng thời, dư luận đòi hỏi EVN phải minh bạch hơn, tiết kiệm hơn và đón nhận các nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió, điện mặt trời để đa dạng nguồn cung và bình ổn giá điện”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Doanh nghiệp tính toán thắt chặt chi phí
Về phía doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân đưa quan điểm, tăng giá điện sẽ tác động tới doanh nghiệp, nhưng không lớn. Vấn đề ở đây là cùng với việc tăng giá điện, ngành điện phải bảo đảm chất lượng và sự ổn định của nguồn điện hơn nữa.
“Các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội đang nỗ lực tập trung sản xuất, cung ứng các sản phẩm cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả những tập đoàn sản xuất công nghiệp, công nghệ cao trong nước. Vì vậy, việc có nguồn điện sản xuất ổn định là yếu tố rất quan trọng”, ông Nguyễn Vân nói.
Còn ông Bùi Hữu Hùng, Giám đốc Công ty TNHH May Hùng Nguyệt chia sẻ: "Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% ít nhiều tạo thêm áp lực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để ứng phó, doanh nghiệp đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh... Chúng tôi cũng ý thức rằng việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện. Tuy nhiên, việc tăng giá vào thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới hồi phục được chưa nhiều. Từ đó, doanh nghiệp phải tính toán đến thắt chặt các khoản đầu tư và chi phí để làm sao cân bằng được giá thành".
Theo số liệu từ EVN, với kinh doanh dịch vụ (có khoảng 547.000 khách hàng), mức tăng trung bình mỗi khách hàng là 247.000 đồng/tháng. Riêng nhóm sản xuất (cả nước có khoảng 1,921 triệu khách hàng), mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình 499.000 đồng/tháng sau đợt điều chỉnh giá này.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, việc tăng giá điện ảnh hưởng chung đến nền kinh tế rất nhỏ. “Tuy nhiên, khi tăng giá điện thì doanh nghiệp cũng cần có ý thức tiết kiệm điện, xem xét sử dụng công nghệ mới, hiện đại để tiết kiệm điện và thực hiện xanh hóa nền sản xuất”, vị chuyên gia này nói.