Lưu ý trong xét danh hiệu nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
Sáng 15-10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ IV trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngày 24-6-2024, Bộ VH,TT&DL ra Quyết định số 1690/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ tư.
So với những lần xét tặng trước đây, Nghị định 93/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2024, có nhiều điểm đổi mới so với Nghị định 62/2014/NĐ-CP.
Theo đó, bên cạnh 6 loại hình di sản văn hóa phi vật thể quy định trước đây như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian, trong Nghị định 93 có thêm loại hình nghề thủ công truyền thống.
Tại hội nghị tập huấn, nhiều đại biểu nêu thắc mắc liên quan đến việc “xác định rõ ranh giới giữa thủ công mỹ nghệ và thủ công truyền thống để các quận, huyện hướng dẫn đúng tới các nghệ nhân” để làm hồ sơ.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể - Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) chia sẻ: Nghề thủ công truyền thống gồm các biểu đạt văn hóa được thể hiện thông qua việc thực hành, sáng tạo của cá nhân, cộng đồng theo hình thức thủ công với kỹ thuật, hình thức, trang trí, nghệ thuật, nguyên vật liệu có yếu tố bản địa và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để tạo ra các sản phẩm có tính độc bản, mang bản sắc văn hóa cộng đồng.
Cụ thể hơn, nghề thủ công truyền thống là việc sử dụng các nguyên vật liệu bản địa (nguồn tại chỗ như mây, tre...); nghề được trao truyền qua nhiều thế hệ, không giống với một số loại hình như tranh cát, tranh thêu XQ mới xuất hiện - chưa đáp ứng được tiêu chí là di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, không ít nghệ nhân băn khoăn về việc xác định loại hình di sản văn hóa phi vật thể để thực hiện hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân. TS Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, việc xét danh hiệu nghệ nhân không liên quan đến việc nghề mai một, hay việc truyền dạy khó khăn. Quan trọng ở đây, nghề đó vẫn đang được thực hành, trao truyền, thể hiện sự duy trì, tiếp nối của di sản. Người làm hồ sơ xét tặng cần được địa phương xác nhận về thông tin cá nhân, bảo đảm làm đúng hồ sơ, không vi phạm pháp luật, có đạo đức tốt.
Ngoài những nội dung kể trên, các chuyên gia cũng đề nghị chính quyền quận, huyện tăng cường rà soát, tích cực hỗ trợ các nghệ nhân trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ xét duyệt nghệ nhân, đảm bảo việc thực hiện đúng, nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật.