Văn nghệ

Phim “Vì Hà Nội ngày mai” đoạt giải Đặc biệt sáng tác về “Hà Nội - Đổi mới và phát triển”

Yên Nga 15/10/2024 - 14:09

Sáng 15-10, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổng kết và trao giải Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật với chủ đề “Hà Nội - Đổi mới và phát triển”.

Cuộc vận động được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).

giai-dac-biet.jpg
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Huy Cường và Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải Đặc biệt. Ảnh: T.Du

Đồng thời, hoạt động này cũng tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ Thủ đô sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao viết về mảnh đất và con người Thủ đô nghìn năm văn hiến; gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo tiêu chí mới; phản ánh chân thật, sâu sắc, toàn diện hiện thực Thủ đô và đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

tran-quoc-chiem.jpg
Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phát biểu tổng kết. Ảnh: Thụy Du

Phát biểu tổng kết, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết, được phát động từ ngày 14-5, Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật với chủ đề “Hà Nội - Đổi mới và phát triển” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của văn nghệ sĩ, với 628 tác phẩm tham dự, trong đó có 20 tác phẩm thơ văn, 25 tác phẩm âm nhạc, 14 tác phẩm sân khấu, 448 tác phẩm nhiếp ảnh, 110 tác phẩm mỹ thuật, 8 tác phẩm điện ảnh và 3 tác phẩm múa.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, đa phần tác giả tham gia cuộc vận động bám sát nội dung, chủ đề theo thể lệ, quy chế của Ban tổ chức đề ra; đặc biệt, rất nhiều tác phẩm toát lên được hơi thở, nhịp sống đương đại, ca ngợi giá trị tinh hoa của vùng đất, con người và văn hóa Hà Nội với phong cách thể hiện tác phẩm mang cá tính, chất liệu khác nhau, đa sắc màu.

thuong-lam-tac-pham-doat-giai.jpg
Khán giả thưởng lãm các tác phẩm xuất sắc của cuộc vận động. Ảnh: Thụy Du

“Cuộc vận động đã thu hút được nhiều tác phẩm xuất sắc phản ánh được nhịp sống Thủ đô đang trong thời kỳ đổi mới, bám sát Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể của Thủ đô là vô cùng cần thiết, khẳng định ý chí, khát vọng, tầm nhìn, nguồn lực sẵn sàng để hướng tới một Thủ đô ngày càng phát triển hiện đại và bền vững, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, Thủ đô văn hiến, Thủ đô sáng tạo và hòa bình”, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

do-dinh-hong.jpg
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu.

Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc vận động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng biểu dương các tác giả, văn nghệ sĩ đã tích cực tham gia cuộc vận động sáng tác; đồng thời đóng góp tích cực cho chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua.

Ông Đỗ Đình Hồng bày tỏ kỳ vọng các văn nghệ sĩ Thủ đô tiếp tục phát huy tài năng, tâm huyết để sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị, ghi dấu ấn, hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh Việt Nam vào năm 2025.

giai-a.jpg
Trao giải A cho các tác giả đoạt giải cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật. Ảnh: Thụy Du

Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 44 tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc để trao giải, trong đó có 1 giải Đặc biệt, 6 giải A, 13 giải B và 24 giải C. Giải Đặc biệt thuộc về phim tài liệu “Vì Hà Nội ngày mai” (Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quang Tùng đạo diễn).

6 giải A gồm: Chùm thơ 5 bài “Nghĩ trước thành Cửa Bắc”, “Tấm ảnh người Hà Nội”, “Trong tôi ước nguyện”, “Chợ người đốt lửa hơ tay”, “Đan Phượng ơi! Quê hương người gái đảm” (Nguyễn Thị Mai); ca khúc “Chiều bên Hồ Tây” (Hoàng Đạt); tranh sơn dầu “Hà Nội 12 ngày đêm” (Nguyễn Hải Nghiêm); múa tập thể “Lằn ranh đỏ” (Nguyễn Thị Thanh Hằng); kịch lịch sử “Nam quốc sơn hà” (Nguyễn Toàn Thắng); bộ ảnh “Robot thần tốc đang thần tốc” (Trương Thế Cầu).