Hoàng Nhuận Cầm: Một trái tim nồng nàn tình yêu cuộc đời
Năm 2014, lúc mới về Đài Tiếng nói Việt Nam (41 - 43 Bà Triệu) công tác, tôi hay để ý đến một “nhân vật” thường ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế sofa dùng để tiếp khách đặt ở sảnh cơ quan, rít thuốc lào sòng sọc, cắm cúi viết viết gạch gạch trên những trang bản thảo chi chít chữ đánh máy, chữ viết tay.
“Nhân vật” ấy không ai khác chính là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, “bác sĩ Hoa Súng” nổi tiếng hóm hỉnh trên VTV3 một thời, tác giả của “Chiếc lá đầu tiên”, “Viên xúc xắc mùa thu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”… - những bài thơ làm rung động bao thế hệ học sinh, sinh viên.
Cả một đời trọn vẹn với thơ ca
Nhìn Hoàng Nhuận Cầm thời điểm những năm 2014 ấy và mãi sau này, không lâu trước khi ông qua đời, ai cũng thầm công nhận trong ông có một nội lực mạnh mẽ ngược với vẻ ngoài nhỏ thó, hom hem thường thấy. Ấy là khi ông cất giọng nói, cất giọng đọc thơ, ông như trở thành một con người khác, gấp gáp, phấn chấn, sôi nổi, như dòng chảy con sông mùa lũ muốn cuốn phăng đi những rác rều nổi nênh, cuốn phăng đi những băn khoăn, nghi ngại ngăn cách lòng người.
Hoàng Nhuận Cầm thừa hưởng mỹ cảm âm nhạc của người cha - nhạc sĩ Hoàng Giác, tác giả của các ca khúc “Mơ hoa”, “Ngày về”, “Lỡ cung đàn”. Mỹ cảm ấy truyền thấu vào trong hầu hết các sáng tác của ông khiến thơ ông như một bản nhạc được ngân vọng lên tự đáy lòng. Trong bức ảnh cưới chụp cùng người vợ đầu tiên tại nhà riêng số 124 Hàng Bạc (Hà Nội), nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khi ấy gần 30 tuổi, thư sinh, đôi mắt to vời vợi, mái tóc mượt, sống mũi thẳng, những nét đẹp có lẽ ông thừa hưởng từ bà Kim Châu - người mẹ hoa khôi - thuộc hàng giai nhân đất Hà thành những năm 1940 - 1950 của thế kỷ trước.
Là nhà thơ nổi tiếng được nhiều độc giả biết đến thế nhưng cho đến tận tuổi xế chiều, ông vẫn sống trong một căn hộ tập thể tầng 2 ở phố Lò Đúc. Căn hộ cũ kỹ, ám mùi thuốc lào, chồng chất toàn sách là sách. Đang nói chuyện với khách tới chủ đề nào đó, sực nhớ ra, nhà thơ sẽ lại xin phép “Đợi một lát nhé” rồi lom khom lên gác, lục lọi tìm cuốn sách mà ông cho là cần thiết cho câu chuyện. Sống giản dị là thế nhưng bất cứ ai tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng nhận ra, trong cả lối sống đời thường lẫn những trang thơ của ông đều toát lên nét nhiệt thành, hồn nhiên, một trái tim nồng nàn tình yêu cuộc đời.
Chính vì chất thơ dạt dào, tuôn chảy, trong trẻo và tràn đầy sức sống ấy mà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã gắn với tuổi trẻ của nhiều người, không ít người trong số đó sau này thành danh trong thơ ca.
Người yêu Hà Nội bậc nhất
Hoàng Nhuận Cầm có lẽ là người yêu Hà Nội bậc nhất trong số những người yêu Hà Nội - một tình yêu nồng nàn, bền bỉ ẩn hiện qua những ký ức, những hành động, việc làm.
Năm 1971, khi đang là sinh viên khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hoàng Nhuận Cầm nhập ngũ, trở thành chiến sĩ của Sư đoàn 325B chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Không ít lần, Hoàng Nhuận Cầm kể về những năm tháng ấy, về “những đêm hành quân trong mưa rừng rả rích, nghe giọng ngâm thơ của NSND Trần Thị Tuyết qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam thân thương như tiếng người hàng xóm mà nôn nao nhớ một góc phố, một ngôi nhà, một dáng người”.
Những năm tháng chia cắt ấy, có lúc bẵng đi không một dòng thư về, bặt tin con, hai cụ Hoàng Giác và Kim Châu chạy đôn chạy đáo hỏi thăm tin tức về cậu con trai đầu lòng nơi chiến trường khói lửa không rõ sống chết ra sao. Thế rồi trong một lần hai cụ đèo nhau trên xe đạp ngang qua cổng Đài Tiếng nói Việt Nam, đúng lúc đài phát bài thơ “Mùa thu tôi yêu” của tác giả Hoàng Nhuận Cầm. Hai cụ đã lặng đi vì xúc động. Bài thơ chính là tín hiệu sống, là tin tức không thể nào chính xác hơn về người con vẫn đang chiến đấu và làm thơ ở chiến trường.
Những năm tháng chiến đấu nơi vùng đất “lửa” ấy, trái tim nhà thơ trẻ Hoàng Nhuận Cầm luôn hướng về Hà Nội, nơi có người con gái, nữ sinh cùng lớp đại học khoa Văn đã đi vào những vần thơ bài “Phương ấy”.
Tình yêu với Hà Nội còn nối dài trong nhiều sự kiện cuộc đời nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Chính ông là người viết kịch bản bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng “Mùi cỏ cháy” (năm 2012). Kịch bản phim dựa trên quyển nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Điều đặc biệt ở chỗ Hoàng Nhuận Cầm đã đặt tên cho bốn nhân vật, bốn sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là: Hoàng, Thành, Thăng, Long - ghép lại thành tên một di tích lưu giữ dấu ấn lịch sử Hà Nội và đất nước. Nhân vật Thăng là hình bóng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc còn nhân vật Hoàng mang bóng dáng thời còn trẻ của tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm. Bối cảnh phim với hình ảnh Công viên Thống Nhất, giảng đường Trường Đại học Tổng hợp gợi lại ký ức về Hà Nội một thời đã xa.
Trước đó, năm 1997, cùng với đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã viết kịch bản bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 1946”. Viết một kịch bản về sự kiện diễn ra trước khi bản thân ra đời, điều đó đã cho thấy sự hiểu biết về lịch sử, về Hà Nội và tình yêu đối với cách mạng của Hoàng Nhuận Cầm. Trong những lần trò chuyện, hễ nói về kỷ niệm với Hà Nội, mắt ông lại sáng lên, tinh anh, lấp lánh. Hà Nội với Hoàng Nhuận Cầm là thành phố tuổi thơ, tuổi trẻ, niềm thương, nỗi nhớ, gắn bó đến cùng tận những phút cuối đời.
Đầu mùa hè năm nay, nhân buổi tưởng nhớ 3 năm ngày mất của ông, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khẳng định: “Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ giàu bản sắc Hà Nội nhất trong số các nhà thơ Hà Nội”. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai thì kể lại rằng bà nhớ mãi lần cuối cùng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tới hội trường của Hội Nhà văn Hà Nội, lên tiếng kêu gọi các hội viên viết về Hà Nội để tập hợp in thành một tập thơ về Thủ đô. Ông mong mọi người hãy nhìn sâu vào bản sắc, những nét đẹp, nét trong trẻo của Hà Nội thay vì chỉ chú trọng tới những điều chưa hay, những biến đổi tất yếu của thời gian, nhịp sống.
Đọng lại trong con người, trong sáng tác, trong phong cách sống của Hoàng Nhuận Cầm vẫn là bản sắc Hà Nội, là một tình yêu đậm sâu với thành phố quê hương xứ sở như ông từng viết: “Đây mảnh đất rồng bay lên phẩm giá/ Tiếng chuông chùa Trấn Quốc mãi ngân nga/ Mỗi con đường dẫn ta vào thần thoại/ Mỗi mặt người đẹp tựa một đài hoa/ Đây Thăng Long - đây Đông Đô - đây Hà Nội/ Đây lắng hồn sông núi giữa hồn ta!”. Còn nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại từng khẳng định: “Cả cuộc đời Hoàng Nhuận Cầm chỉ có Tổ quốc và thơ ca. Và thơ ca đối với ông cũng là Tổ quốc”. Trong Tổ quốc ấy có Thủ đô Hà Nội - một lý tưởng, tình yêu đắm đuối, đậm sâu.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sáng tác chủ yếu ở 2 thể loại: Thơ và kịch bản phim. Các tập thơ như "Thơ tuổi hai mươi" (in chung, 1974), "Những câu thơ viết đợi mặt trời" (1983), "Xúc xắc mùa thu" (1992), "Thơ với tuổi thơ" (2004), "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến" (2007), "36 bài thơ" (2008), "Chiếc lá đầu tiên" (2007)… được các bạn đọc trẻ tuổi yêu thích. Ông tham gia viết kịch bản các bộ phim như "Đêm hội Long Trì", "Hà Nội mùa đông năm 46", "Áo chàm Bắc Sơn", "Mùi cỏ cháy", "Lỗi lầm", "Đằng sau cánh cửa", "Pháp trường trắng", "Ai lên xứ hoa đào", "Đoạn trường chiêm bao", "Nhà tiên tri"…
Ông từng đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972 - 1973, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 với tập thơ "Xúc xắc mùa thu". Ông qua đời ngày 20-4-2021 tại Hà Nội.