Sách

"Bức ký họa" Hà Nội bằng thơ

Yến Dung 15/10/2024 08:42

“Bay qua Hồ Gươm” là tập thơ thứ tư của tác giả Huỳnh Mai Liên, một cây bút quen thuộc đối với các độc giả nhí - tên chị đã không ít lần được in trên sách giáo khoa “Tiếng Việt”.

Sau hơn một năm cặm cụi tìm về với từng con phố, với bao kỷ niệm gắn bó, với thật nhiều tâm tình gửi lại nơi trái tim của đất nước, tập thơ đã ra đời hòa chung không khí rộn ràng chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô của người dân Hà Nội.

sach.jpg

Như nhà thơ Thụy Anh đã nhận xét, “Bay qua Hồ Gươm” mang lại cảm giác là “một bức “ký họa” Hà Nội bằng thơ”, đưa ta lên con tàu trở về với sân ga của miền xưa cũ rồi quay lại bến ngày nay. Qua cửa kính, ta có thể thấy Hà Nội với rất nhiều sắc độ đậm nhạt, mang đủ phong vị cổ kính lẫn mới mẻ, từ những điều nhỏ bé nhất tới to thật to của con người và khung cảnh thiên nhiên nơi này.

Cách giao tiếp trong thơ Huỳnh Mai Liên vô cùng đa dạng. Có khi, những câu thơ xuất phát từ nhận thức của một đứa trẻ, giọng điệu đượm vẻ ngây ngô, ngước nhìn mọi thứ với bản tính tò mò ham học, tự hỏi những câu hỏi rồi lại tự ngẫm nghĩ đến câu trả lời: “Thành phố hơn ngàn tuổi/ Mình xưng hô thế nào/ Chân vòng qua, đi lại/ Không biết trả lời sao” (“Thành phố nhiều tuổi”).

Cũng có khi, nhà thơ hóa thân vào vạn vật gắn liền với cuộc sống để kể câu chuyện Hà Nội từ đủ góc nhìn. Nào là bầy ong, kia đàn chim sẻ, bồ câu…, những áng mây bay trên trời cao lẩm nhẩm đếm hồ, những hàng cây quen thuộc nghe thôi là nhớ mặt điểm tên con phố, làn sương trắng mùa đông vương vấn bước chân người đi qua, con tàu trên cao “đi theo mặt trời”, chiếc xe buýt tựa “ngôi nhà nhỏ” tránh gió tránh mưa lao băng băng vững chắc về phía trước…

Thật ra, lăng kính trẻ thơ của Huỳnh Mai Liên không chỉ dừng ở những sự vật, cảnh tượng mắt thấy tai nghe, những điều tự mình trải nghiệm, mà còn được phóng rộng tới cả chân trời của những ký ức không phai từ quá khứ ông bà, cha mẹ. “Hà Nội của ông” là một thời huy hoàng hoa lửa, là lớp thanh niên đồng lòng “xếp sách vở”, lên đường bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. “Hà Nội của bố” có âm thanh leng keng của tàu điện vào bến, có những buổi đi chơi chỉ háo hức được cầm trên tay cây kem mát lạnh, có bao lần nghịch phá đến nỗi “mặt mũi lem nhem”. Và rồi cũng đến “Hà Nội của con”, sinh ra ở thời bình, đất nước trên đà phát triển, Hà Nội đã thay đổi nhanh chóng “như thay áo mới”. Những ngôi nhà cao chọc trời, những con đường thênh thang, những dòng xe, dòng người qua lại “đông vui sớm tối”. Ký ức của mỗi thế hệ là một chương khắc ghi vào dòng thời gian không ngừng chảy trôi của Thủ đô, góp trang cho cuốn sách “nghìn năm văn hiến” ngày một dày thêm, phong phú thêm.

“Để ai cũng nhớ
Hà Nội trong mình
Để ai cũng có
Hà Nội trong tim”

Có lẽ, bất cứ ai khi cầm trên tay cuốn “Bay qua Hồ Gươm” đều chạm được tới những rung cảm thẳm sâu trong tâm hồn dành cho Hà Nội, để ươm mầm cho một tình yêu chân thành tới dáng hình vạn vật, để lại có thể ngắm nhìn cuộc sống bằng ánh mắt đơn thuần, lấp lánh niềm vui của trẻ thơ.