Phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ quản lý và phát triển kinh tế - xã hội
Chiều 14-10, Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.
Tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 67 điều; quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm các yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia (Điều 29), cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.
Có ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng Quỹ này; làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát các hoạt động được ưu tiên chi từ Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để tránh trùng với các hoạt động được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển phục vụ công nghiệp công nghệ số tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các quy định của pháp luật có liên quan.
Nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc khẩn trương, tích cực xây dựng, hoàn thiện dự án Luật; kỳ vọng dự án Luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tạo nên hệ thống dữ liệu tập trung, thống nhất, đồng bộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác và sử dụng dữ liệu. Đây không phải vấn đề mới đối với nước ta nhưng quy định tập trung, thống nhất trong một đạo luật là vấn đề mới trong hoạt động lập pháp của Việt Nam. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thêm kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những nước có thể chế chính trị, kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam để làm cơ sở nghiên cứu, học hỏi trong quá trình xây dựng dự án luật này.
Dự thảo Luật quy định hai vấn đề mới, đó là: Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong phạm vi, lĩnh vực nhất định, đặc biệt là liên quan đến dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách nhà nước trong những lĩnh vực như tài nguyên thì dữ liệu cần được xem là tài nguyên quan trọng quốc gia, cần được khai thác, quản lý và bảo vệ theo những cơ chế đặc thù. Do đó, việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định cho phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự án Luật; cho rằng, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu; tuy nhiên cần rà soát các văn bản pháp luật liên quan để đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi điều chỉnh, nội dung.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng xem xét Luật Công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đang dự kiến trình Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân… có những nội hàm liên quan. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, làm rõ những nội dung có liên quan trong các dự án luật đang trình, sắp trình thời gian tới để phân định rạch ròi về phạm vi điều chỉnh, xử lý những nội dung liên quan để tránh trùng lặp, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Đánh giá nội hàm mà Luật điều chỉnh là vấn đề mới, khó, phức tạp, quan trọng, phục vụ quá trình chuyển đổi số, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, các nội dung đang trong quá trình vận hành, phát triển thì chưa nên quy định chi tiết trong dự thảo Luật mà nên quy định mang tính khung, nguyên tắc, giao Chính phủ, các bộ chuyên ngành quy định chi tiết. Việc này phù hợp với thực tiễn, khi cần thiết có thể linh hoạt sửa đổi đồng thời đảm bảo tính ổn định của luật trong quá trình triển khai.
Liên quan đến Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, có ý kiến đề nghị cân nhắc thành lập quỹ này và cho rằng, nội dung chi của quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và việc xây dựng, phát triển dữ liệu nói chung hiện còn hạn chế. Do vậy, Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia này để thúc đẩy ứng dụng dữ liệu, thu hút nguồn lực xã hội cho xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.
Việc hình thành Quỹ này là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, chỉnh lý quy định theo hướng rõ nguyên tắc hoạt động của Quỹ để đảm bảo không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch và hỗ trợ cho hoạt động xây dựng, triển khai, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng khẳng định, hoạt động của Quỹ không trùng lắp với các hoạt động chi của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và một số quỹ khác.
Trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ của nước ngoài) năm 2024.