Điểm đến

Du lịch cộng đồng gắn với sinh thái ở hồ Ba Bể

Bài và ảnh: Hương Ly 14/10/2024 14:37

Du lịch cộng đồng tại xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đang là xu hướng được địa phương chú trọng đầu tư, khai thác.

Đây là loại hình mang lại nhiều lợi ích trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc.

ho-ba-be.jpg
Hồ Ba Bể thơ mộng giữa núi rừng hùng vĩ.

Tiềm năng du lịch hấp dẫn

Theo các nhà địa chất, hồ Ba Bể được hình thành cách đây gần 200 triệu năm do một biến động địa chất lớn làm sụt lún các dãy núi đá vôi tạo thành. Hồ được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi xen lẫn sa thạch cổ và các cánh rừng nguyên sinh, tạo nên phong cảnh ngoạn mục với cấu trúc địa chất, đất đai có một không hai. Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ (năm 1995) công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần bảo vệ.

Xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể) là xã duy nhất quản lý hồ Ba Bể và là một phần của Vườn quốc gia Ba Bể. Với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thảm thực vật phong phú và nhiều nét văn hóa đặc trưng, những bản làng ven hồ Ba Bể có sức hút lớn bởi nhiều thắng cảnh độc đáo như thác Đầu Đẳng, hẻm vực sông Năng, ao Tiên, động Puông, đảo An Mạ, đảo Bà Góa... Đặc biệt, nơi đây vẫn lưu giữ hoạt động sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao. Những năm qua, người dân các xã trong vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể đã đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Phát huy lợi thế sẵn có, các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc của xã Nam Mẫu đã và đang phát triển mô hình du lịch homestay và các dịch vụ gắn với du lịch sinh thái. Hiện nay, toàn xã Nam Mẫu có 58 cơ sở lưu trú, trong đó có 43 cơ sở là nhà sàn với 2 cơ sở homestay đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; có 142 xuồng phục vụ chở khách tham quan hồ Ba Bể, cùng 10 đội văn nghệ phục vụ du khách. Đời sống của các bản làng ven hồ Ba Bể hiện diện sinh động giữa trập trùng nước non. Đàn ông đan chài, lưới, đánh bắt cá tôm. Phụ nữ thêu thùa, làm bánh, trồng ngô lúa, rau xanh, mía ngọt…

Phát huy lợi thế sẵn có

Hộ gia đình chị Hứa Thị Thầm ở thôn Pác Ngòi (xã Nam Mẫu) bắt tay xây dựng mô hình homestay Ngọc Trinh từ năm 2018. Ngôi nhà sàn của gia đình chị dựa vào chân núi, hướng ra dòng sông Lèng và cánh đồng thoáng đãng. Cùng với việc cho khách ăn nghỉ tại nhà, gia đình chị còn phục vụ du khách giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, cho khách trải nghiệm lao động cùng nông dân bản địa với các hoạt động như nấu rượu, đánh cá, chèo thuyền độc mộc, vun ngô, gặt lúa, đặc biệt là đi bộ (trekking), leo núi…

Chị Thầm chia sẻ, có những ngày chị dẫn đoàn khách nước ngoài trekking từ 25 - 30km đến các thôn bản của người Dao, Mông và khu vực Vườn quốc gia Ba Bể. Chuyến khởi hành bắt đầu từ sáng sớm đến khi mặt trời xuống núi. Suốt hành trình, du khách băng qua những con suối và những con đường thoải dốc, ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt đẹp của những ngọn núi hùng vĩ và tìm hiểu thói quen sinh hoạt của người dân địa phương. Sau đó, du khách dùng bữa trưa tại một làng dân tộc người Mông. Nhờ làm du lịch homestay, chị Thầm và các thành viên trong gia đình học hỏi thêm nhiều kiến thức, cuộc sống cũng trở nên phong phú hơn khi được giao tiếp với du khách đến từ các vùng miền khác nhau.

Tại thôn Bó Lù (xã Nam Mẫu), homestay Quỳnh Mai của gia đình chị Đàm Quỳnh Mai đạt chuẩn 3 sao OCOP với hai ngôi nhà sàn hai tầng, có thể chứa cùng lúc 70 khách. Chị cho biết, trung bình mỗi năm đón khoảng 1.700 lượt khách, hiện tại gia đình có hai thuyền máy vận chuyển khách du lịch, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Trong khuôn viên 6.000m2 chị dành làm không gian giải trí, đốt lửa trại, chơi các trò chơi dân gian cho du khách.

Bằng tư duy nhạy bén và linh hoạt, anh Đặng Văn Hùng ở thôn Nà Nghè (xã Nam Mẫu) đầu tư xây dựng 2 cơ sở lưu trú là Ba Bể Farmstay tại thôn Nà Nghè và Cốc Tộc. Đến đây, du khách được trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống của người dân vùng ven hồ. Anh Hùng cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm trải nghiệm gắn liền với thiên nhiên hấp dẫn. Ngoài đi trekking, đánh cá còn có sản phẩm cắm trại trong rừng kiểu trải nghiệm sinh tồn nhằm đa dạng hóa loại hình phục vụ du khách, cũng là để du khách có chuyến du lịch ấn tượng và nhiều kỷ niệm hơn”.

Là một thành viên trong nhóm du khách Hà Lan đến hồ Ba Bể, bà Lilean Westhuizen bày tỏ cảm xúc: “Đi xuồng vòng quanh hồ Ba Bể, chúng tôi cảm thấy choáng ngợp trước một hồ tự nhiên rộng lớn được bao bọc bởi cánh rừng nguyên sinh khổng lồ. Khí hậu tuyệt vời giúp chuyến du lịch của chúng tôi trở nên đầy cảm hứng”.

Ông Ngôn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết: “Một trong những yếu tố để phát triển dịch vụ du lịch gắn với sinh thái là vấn đề bảo vệ môi trường. Xã Nam Mẫu thường xuyên tổ chức kiểm tra các hoạt động kinh doanh lưu trú, kịp thời chấn chỉnh các hộ chưa chấp hành tốt cũng như hướng dẫn du khách thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sạch - đẹp”.

Huyện Ba Bể đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu hút 200 nghìn lượt khách du lịch trở lên, trong đó 80% khách nội địa và 20% khách quốc tế. Với cách làm đa dịch vụ, đặc biệt là du lịch gắn với sinh thái ở vùng ven hồ Ba Bể đang góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.