Công nghiệp văn hóa

Phát triển di sản chùa Trầm, chùa Trăm Gian trong xu thế công nghiệp văn hóa

Hoàng Sơn 14/10/2024 - 12:59

Huyện Chương Mỹ có 374 di tích, trong đó có 32 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 142 di tích xếp hạng cấp thành phố và 200 di tích chưa xếp hạng nằm trong danh mục kiểm kê.

Trong số này, di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian có giá trị tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, tôn giáo cần được các cấp chính quyền quan tâm phát triển gắn với du lịch để sớm trở thành ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương.

2chua-tram-gian.jpg
Chùa Trăm Gian còn lưu giữ nhiều giá trị kiến trúc, văn hóa lâu đời. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Bảo tồn các giá trị tiêu biểu của di tích

Theo Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 của Chính phủ, chùa Trầm thuộc loại hình di tích lịch sử, kiến trúc và danh lam thắng cảnh; chùa Trăm Gian thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Hai di tích này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1962.

Chùa Trầm tọa lạc trên núi Trầm hay còn gọi là Tử Trầm Sơn, nằm trong quần thể nhiều ngôi chùa thuộc địa phận xã Phụng Châu, với các núi nhỏ xung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ. Ở đây còn có chùa Hang và chùa Vô Vi. Quần thể ba ngôi chùa đã đạt đến sự hài hòa giữa núi và chùa.

Chùa Trăm Gian có tên chữ là Quảng Nghiêm tự ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương. Tương truyền, ngôi chùa này được xây dựng vào năm Trinh Phù thứ 10 (năm 1185), thời vua Lý Cao Tông. Chùa Trăm Gian nổi tiếng trong vùng vì ngoài thờ Phật còn thờ Đức Thánh Bối.

Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo, tọa lạc trên một quả đồi, các đơn nguyên kiến trúc của chùa cộng lại có tất cả 104 gian nhà, chia thành ba cụm kiến trúc chính: Tam quan, gác chuông và chùa chính.

hai-trong-so-8-buc-tranh-co-thap-dien-diem-vuong-tai-chua-tram-gian.(1).jpg
Những bức tranh cổ Thập điện Diêm Vương tại chùa Trăm Gian. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Về hiện vật, chùa Trăm Gian còn lưu giữ được nhiều di vật quý, trong đó đáng kể là đôi rồng đá thời Trần làm lan can thành bậc. Tại chùa Trăm Gian có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ở giữa thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật, trên bệ là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, bốn góc có hình chim thần Kim Sí Điểu. Trên bệ thờ đặt các tượng Phật tam thế.

Ngoài ra, những bức phù điêu La Hán và Thập điện ở chùa Trăm Gian, là sự phối hợp tuyệt đẹp giữa phù điêu và hệ thống tượng tròn trong một ngôi chùa, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là hiện tượng độc đáo, hầu như không gặp lại ở những trung tâm Phật giáo khác…

chua-hang123.jpg
Chùa Hang có các pho tượng bằng đá, trên vách động có các tác phẩm thơ văn khắc vịnh cảnh chùa. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Ngoài cụm di tích trên, tại huyện Chương Mỹ còn có 374 di tích, trong đó có 32 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 142 di tích xếp hạng cấp thành phố… Trong đó, có nhiều di tích có niên đại khởi dựng vào thời Lý, thời Trần, được trùng tu vào thời Lê, đặc biệt là thời Nguyễn.

Để tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thành phố nói chung và tại huyện Chương Mỹ nói riêng, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội xác định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, phát huy điểm đến là nhiệm vụ chiến lược, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội, sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Với tinh thần và quyết tâm cao, đến nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện Chương Mỹ, trong đó có hai di tích trọng điểm chùa Trầm, chùa Trăm Gian đã và đang được triển khai tích cực. Theo đó, việc triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu của thành phố làm cơ sở để nhiều di sản có giá trị cao về lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật được bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị.

2-anh-kem-bai-10.jpg
Tượng đá trong chua Hang tại núi Trầm. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã xác định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong các chương trình, kế hoạch cụ thể về phát triển văn hóa, du lịch, như: Chương trình số 04-Ctr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020.

Trong đó xác định trong 5 năm 2016-2020: Ưu tiên đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới, các di tích cách mạng kháng chiến, triển khai bảo tồn và phát huy giá trị di tích thuộc địa bàn thành phố; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về việc phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; trong đó xác định chỉ tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di tích: Bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; tăng cường quản lý nhà nước, phát huy giá trị các di tích; ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến có giá trị tiêu biểu.

Phát huy giá trị các di tích

Để bảo tồn các giá trị tiêu biểu của di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian và thực hiện hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 gắn với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, huyện Chương Mỹ cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp nhằm phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, trong đó lấy chùa Trầm, chùa Trăm Gian là hai di tích trọng điểm để triển khai.

khanh-dong.jpg
Khánh đồng trong Long Thiên động trong cụm di dích. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Trước hết, huyện Chương Mỹ cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về quyền và nghĩa vụ đối với các di sản văn hóa; phát huy vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa.

Huyện xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thứ hai, huyện Chương Mỹ hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phù hợp với tình tình thực tế. Tiếp tục thực hiện phân công quản lý di sản văn hóa để nâng cao trách nhiệm của cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý di tích, xây dựng mô hình khung cho các ban quản lý di tích cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp để tăng hiệu quả quản lý di sản.

Cơ quan chức năng của huyện chú trọng hơn nữa yếu tố bảo tồn di sản văn hóa trong công tác quy hoạch, phát triển công nghiệp văn hóa, tiếp cận vấn đề một cách tổng thể để đề xuất các giải pháp thích hợp, tạo dựng cảnh quan phù hợp, góp phần làm tăng giá trị và tạo điểm nhấn cho các địa phương có di sản văn hóa.

chuong-dong.jpg
Chuông đồng đúc năm 1814 thời nhà Nguyễn treo giữa vách đá, trước khi lên đỉnh núi có lầu Nghênh Phong. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Thứ ba, UBND huyện Chương Mỹ đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, công trình văn hóa; bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống; triển khai quy hoạch chi tiết bảo tồn không gian di sản văn hóa; tăng cường đầu tư nguồn vốn và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh để bảo đảm giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong quá trình tu bổ.

Huyện tổ chức nghiên cứu mô hình quản lý di sản văn hóa đang hoạt động trên địa bàn thành pố và một số tỉnh, thành phố khác, nhằm đánh giá đúng các điểm tích cực và hạn chế để đưa ra một số mô hình tiêu biểu và phù hợp với từng địa bàn cụ thể của huyện.

Thứ tư, huyện cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong huyện đang đảm nhiệm công tác quản lý di tích, di sản, nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, cập nhật tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào việc quản lý di sản văn hóa của địa phương.

Thứ năm, các phòng, ban, đơn vị chuyên môn cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của huyện thông qua sự gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh để đưa các nội dung quảng bá giá trị di sản lên các nền tảng công nghệ.

Qua đó, làm lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa trong huyện, nhất là giá trị di sản chùa Trầm, chùa Trăm Gian đến gần hơn với công chúng; xây dựng ngân hàng dữ liệu khoa học về các di sản văn hóa trên địa bàn huyện; tích hợp các nguồn thông tin có liên quan tới di sản văn hóa và hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân…