Xã hội

Nhân rộng mô hình, giải pháp giảm tai nạn thương tích cho trẻ em: Cần nỗ lực từ nhiều phía

Mai Hoa 14/10/2024 - 06:28

Trong thời gian qua, nhiều mô hình, giải pháp giảm tai nạn thương tích cho trẻ em được thực hiện ở các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy vậy, bối cảnh ngày càng nhiều nguy cơ thương tích có thể xảy ra đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành chức năng trong việc nhân rộng các mô hình, giải pháp nhằm tạo dựng môi trường an toàn cho trẻ em.

huong-dan-tre-su-dung-cong-cu-chua-chay-gop-phan-giam-thieu-tai-nan-cho-tre..jpg
Hướng dẫn trẻ em kỹ năng sử dụng thiết bị chữa cháy.

Từng bước kéo giảm tai nạn thương tích

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, những năm gần đây, Việt Nam đã kéo giảm trung bình 3-5% số vụ trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, tương đương 100 trường hợp trẻ em được cứu sống mỗi năm. Con số này là đáng ghi nhận nếu so với cách nay 10 năm, khi có gần 3.000 ca trẻ em tử vong vì tai nạn thương tích mỗi năm.

Tuy nhiên, tốc độ giảm như kể trên chưa bảo đảm được yêu cầu mục tiêu kiểm soát tai nạn thương tích. Thực trạng này tiếp tục đòi hỏi trách nhiệm của chính quyền địa phương, trường học và cộng đồng trong việc tạo dựng môi trường an toàn cho trẻ em.

Trên thực tế, trong các loại tai nạn thương tích ở trẻ em, nặng nề nhất vẫn là tình trạng đuối nước, với khoảng 1.800 ca tử vong/năm. Tiếp đến là tai nạn giao thông với con số tử vong gần tương đương. Đáng nói, gần đây đã xuất hiện nhiều loại tai nạn thương tích liên quan đến ngộ độc thực phẩm trong các trường học có tổ chức ăn bán trú, hoặc từ nguồn thực phẩm kinh doanh gần cổng trường học. Ngoài ra, tình trạng trẻ em là nạn nhân trong các vụ cháy, nổ cũng cần lưu tâm...

Trước những vấn đề nêu trên, chính quyền địa phương và các cấp quản lý phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhằm tạo dựng môi trường an toàn cho trẻ em; triển khai tốt hơn công tác cứu hộ, cứu nạn, và trên hết là thực hiện tốt công tác phòng ngừa tai nạn thương tích.

Những khuyến nghị hữu ích

Nhằm tiếp tục kéo giảm số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, khuyến nghị được nhiều nhà quản lý nêu ra là đầu tư ngân sách địa phương hợp lý để nhân rộng các mô hình can thiệp hiệu quả, tạo dựng môi trường sinh sống, giao thông, học tập an toàn, xây dựng mô hình giám sát, dạy kỹ năng an toàn. Đơn cử như mô hình ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn trẻ em, đáp ứng các tiêu chí bảo đảm an toàn, bao gồm: Xung quanh ao, hố chứa nước, cống thoát nước phải có hàng rào chắc chắn để bảo đảm an toàn cho trẻ; giếng nước, bể nước phải có nắp đậy; xung quanh nhà ở cần được phát quang và vật nuôi phải được nuôi giữ bảo đảm an toàn. Cùng với đó, những đồ dùng nguy hiểm phải được lưu trữ trong kho có khóa; cửa sổ phải có chấn song hoặc thanh dọc chắc chắn, khoảng cách đủ để ngăn trẻ không chui qua; khu vực nhà bếp cần có rào chắn và cửa, để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được với bếp lửa và bình ga…

Theo Tiến sĩ Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đuối nước là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em ở Việt Nam. Vì vậy, để giảm tai nạn thương tích do đuối nước cần thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn. Trong đó, các khóa đào tạo kỹ năng an toàn cần được ưu tiên; chú trọng xây dựng cộng đồng an toàn, đào tạo sơ cứu đuối nước cho người dân; tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non, bảo đảm an toàn và phòng tránh đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng; lập các điểm trông trẻ trong mùa lũ lụt, mùa nước lên…

Đặc biệt, chính quyền cơ sở cần chủ động làm rào kiểm soát trẻ tiếp cận với nguồn nước (làm rào chắn quanh ao, hồ, sông ngòi; làm các nắp đậy bể, chum, vại nước; làm biển báo nơi nước sâu nguy hiểm…). Bên cạnh đó, chúng ta phải bảo đảm an toàn và phòng, chống đuối nước cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy, như: Mặc áo phao đủ tiêu chuẩn chất lượng khi đi tàu thủy, đò, thuyền… và chỉ lên thuyền, đò khi có đủ chỗ ngồi cho mình…

Thực tế cho thấy, tại những địa phương làm tốt các mô hình can thiệp phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, số vụ tử vong có thể giảm 30-50%. Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: “Cứu sinh mạng trẻ là vấn đề cần được ưu tiên. Trong khi đó, đầu tư ngân sách triển khai các mô hình can thiệp nhằm phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em thực sự không tốn quá nhiều ngân sách. Vì vậy, tôi mong HĐND, UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 25-12-2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo đó, phải bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách đối với trẻ em; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030”.