Góc nhìn

Đừng quên trách nhiệm nêu gương

Ngân Vũ 14/10/2024 - 05:47

Đã qua gần một tháng rưỡi kể từ ngày bắt đầu năm học mới 2024 - 2025, câu chuyện về sự học và nhiều điều liên quan vẫn âm ỉ trên phạm vi cả nước.

Đó không chỉ là chuyện về những khoản thu ngoài học phí vào đầu năm học mới, chuyện về quy định dạy thêm và học thêm..., mà còn là vấn đề người lớn ứng xử như thế nào trước một vấn đề quan trọng được đặt ra: Nên hay không nên cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học? Và, rộng hơn, là vấn đề hướng dẫn, quản lý việc trẻ sử dụng điện thoại như thế nào cho có ích - trong cuộc sống nói chung chứ không chỉ trong phạm vi trường học.

Theo dõi kỹ diễn biến liên quan tới vấn đề nói trên, dễ hiểu là chúng ta đang đối diện với một câu hỏi vừa đơn giản vừa phức tạp. Đơn giản, là bởi đa số hiểu được rằng việc sử dụng điện thoại thông minh có thể khiến nhiều học sinh mất tập trung, ảnh hưởng không tốt đến việc học. Chưa kể là các em có thể tiếp cận với nội dung không phù hợp và lan truyền thông tin, hình ảnh không nên tiếp cận tới số đông cùng lứa... Phức tạp, là bởi ở thời công nghệ số, chiếc điện thoại mặc định là công cụ đắc lực cho việc học và tự học của học sinh, là “cánh tay nối dài” giúp giáo viên truyền đạt yêu cầu liên quan tới việc học đến học sinh và phụ huynh học sinh một cách nhanh chóng, như thế thì tại sao lại cấm?

Tháng 9 vừa qua, trong bối cảnh nhiều đơn vị truyền thông đăng tải các bài viết, tác phẩm truyền hình về vấn đề học sinh sử dụng điện thoại, bạn đọc có cơ hội thể hiện quan điểm về vấn đề này. Đọc điều mà bạn đọc nói, chuyên gia giáo dục phân tích, dễ thấy rằng có bao nhiêu ý kiến phản đối thì cũng có thể có bấy nhiêu ý kiến phân tích về “cái được” khi học sinh sử dụng điện thoại nói chung, bất kể là đa số người được khảo sát nói rằng họ muốn có lệnh cấm việc trẻ sử dụng điện thoại trong phạm vi trường học.

Sự tranh luận về những “được” và “không được” diễn ra ròng rã nhiều năm, rất khó để coi vấn đề chỉ thuộc phạm vi giải quyết của ngành Giáo dục. Nhiều người nói rằng điều quan trọng nhất không phải là việc cấm hay không cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh ở một không gian cụ thể, mà là cách người có trách nhiệm quan tâm hướng dẫn, quản lý việc sử dụng điện thoại của trẻ em. Thực tế cho thấy trẻ em ở nước ta, đặc biệt là tại các đô thị, có cơ hội tiếp cận và sử dụng điện thoại từ khá sớm do sự dễ dãi của người thân. Cơ hội ấy đến khi người lớn muốn rảnh tay làm việc gì đó, khi bố mẹ quá bận rộn và không ngại trang bị điện thoại cho con nhằm tiện bề liên lạc, thậm chí mua điện thoại thông minh cho con chỉ vì muốn con có được cảm giác mình không thua kém bạn bè...

Tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận và sử dụng điện thoại từ sớm đã đành, nhiều người còn là tấm gương không tốt cho trẻ em khi “nghiện” mạng xã hội, “chát chít” suốt ngày, chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh phản cảm hoặc không có lợi cho nhận thức của trẻ em. Không ít người bỏ qua trách nhiệm hướng dẫn trẻ sử dụng điện thoại thế nào cho có ích, thậm chí không cần biết con mình sử dụng điện thoại vào việc gì, xem gì, xem vào lúc nào, nên có trường hợp phát hiện ra con mình “nghiện” xem phim “đen” thì nhiều điều đã vượt ra ngoài tầm tay.

Gia đình chắc chắn là nơi thích hợp nhất để trẻ em làm quen với điện thoại, cũng là nơi giúp trẻ có chiếc điện thoại đầu tiên của riêng mình. Bởi thế, thói quen sử dụng điện thoại, cách sử dụng điện thoại và việc chọn nội dung thông tin để tiếp cận qua điện thoại hình thành chủ yếu trong môi trường gia đình. Một đứa trẻ được dạy dỗ tốt, có nền tảng vững từ nhỏ thì dễ có thói quen sử dụng điện thoại một cách tích cực khi tới trường, ra đời, dễ thích ứng với tình huống nhà trường cấm sử dụng điện thoại trong lớp hoặc không.

Nói chung, người lớn là “đồng tác giả” hình thành thói quen sử dụng điện thoại thông minh của trẻ em. Mỗi “tác giả” đều rõ nghĩa vụ nêu gương, tận tâm dạy bảo con cháu mình thì nỗi lo trẻ "bị điện thoại đầu độc" sẽ giảm và những điều tích cực khi trẻ dùng điện thoại thông minh sẽ được thấy nhiều hơn.