Giao thông

Quyết liệt ngăn chặn tai nạn đường sắt

Nguyễn Văn Công 14/10/2024 - 05:45

Tính từ đầu năm 2024, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra không ít vụ tai nạn đường sắt thương tâm, cướp đi mạng sống của nhiều người. Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đường sắt chủ yếu vẫn do sự chủ quan, lơ là của chính người điều khiển phương tiện giao thông.

duong-sat-1.jpg
Một vụ tai nạn đường sắt xảy ra ngay khi cần chắn tự động đã hạ xuống.

Số liệu đáng báo động

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số vụ tai nạn đường sắt trong tháng 7-2024 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, cụ thể là đã xảy ra 18 vụ tai nạn làm 12 người chết và 7 người bị thương, tăng 100% về số vụ và 70% về số người chết. Còn trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 66 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 48 người, bị thương 11 người.

Ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tính từ đầu năm 2024 đã có không ít vụ tai nạn đường sắt thương tâm, nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông chủ quan, lơ là khi băng qua đường sắt. Như vào khoảng 16h ngày 31-7, trước số nhà 416 đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt, cướp đi tính mạng của một người đàn ông.

Đáng chú ý, theo trích xuất camera tại hiện trường, khi đó ở khu vực đường ngang có rất nhiều biển cảnh báo chú ý quan sát. Người đàn ông nói trên có rất nhiều thời gian quan sát và chỉ mới dắt xe ra từ cửa hàng ven đường ra, nhưng chỉ do không chú ý nên vụ tai nạn đã xảy ra. Chiếc xe máy bị đâm nát vụn, bị kéo lê hơn 100 mét.

Xa hơn, vào ngày 22-12-2023, trên địa bàn huyện Thường Tín xảy ra một vụ tai nạn đường sắt khiến 2 người phụ nữ tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 5h30 sáng trên một lối mở không có rào chắn thuộc địa bàn thôn Văn Giáp, xã Văn Bình.

Khi đó, đoàn tàu SE4 chạy theo hướng Hà Nam - Hà Nội và đến Km15 800 thì đã xảy ra va chạm với xe máy của 2 người phụ nữ. Ở thời điểm xảy ra vụ tai nạn, trời chưa sáng hẳn, lối đường ngang có nhiều cây cối che khuất tầm nhìn và sự chủ quan của người lái xe máy.

Còn trong ngày 28-7, tại Km1969 457 khu Hố Nai (Biên Hòa, Đồng Nai) đã xảy ra một vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng làm 2 người tử vong và 3 người bị thương nặng. Chiếc xe ô tô bán tải cố vượt qua đường ngang nên đã bị tàu hỏa đang chạy với tốc độ cao đâm phải. Nạn nhân tử vong không chỉ có người trên xe mà có cả nhân viên môi trường đang thu gom rác ở bên đường.

duong-sat-2.jpg
Các vụ tai nạn đường sắt chủ yếu xảy ra ở những lối đi tự mở.

Nhanh một phút, chậm cả đời

Có thể nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn đường sắt là sự chủ quan, lơ là của không ít người. Đặc biệt, nhiều người dân sống ven đường tàu từ nhỏ cho rằng, họ có kỹ năng "sống chung với tàu hỏa", nhận biết được tốc độ tàu chạy nên khá chủ quan khi băng qua đường sắt.

Trên địa bàn Thủ đô, tuyến đường sắt đi qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Trên cung đường này có đến hàng trăm đường ngang dân sinh, lối mở tự phát. Đặc biệt, dù trên những đường ngang có hệ thống biển báo, đèn báo động và cần gạt tự động nhưng vẫn không ít lần xảy ra tai nạn đường sắt.

Chị Nguyễn Thị Ban, một người dân bán hàng ven đường ở phố Tía, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, cho biết: “Ở đoạn đường này có rất nhiều đường dẫn qua đường sắt, tôi đã chứng kiến không ít vụ tai nạn đường sắt ở đây. Thậm chí có những đoạn đường ngang có cần chắn tự động nhưng tai nạn vẫn xảy ra do người điều khiển phương tiện cố băng qua đường sắt khi cần chắn tự động đã hạ xuống. Thật tiếc, chỉ vì muốn nhanh vài phút mà chậm cả đời”.

Anh Lê Quang Tuấn Anh, phụ lái thuộc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết: “Áp lực lớn nhất là khi lái tàu gần đến nơi thì xe máy hoặc ô tô cố băng qua đường. Tôi kéo còi, nhắc nhở tài xế chủ động hãm phanh để tránh tai nạn, tuy nhiên có những trường hợp không thể tránh được vì xe băng qua đường sắt quá bất ngờ”.

Ngoài ra, vấn nạn lấn chiếm hành lang an toàn giao thông cũng rất đáng báo động. Như sự việc diễn ra vào ngày 2-6 tại Hà Nội, một người đàn ông đã đỗ ô tô sát với đường sắt; khi tàu hỏa đi qua đã đâm vào và làm biến dạng ô tô, rất may là không có thiệt hại về người. Còn dọc đoạn đường sắt phía nam Thủ đô có không ít hộ dân ven đường biến hành lang an toàn giao thông đường sắt thành vườn rau hay quán nước nhà mình. Một số hộ gia đình dựng rạp đám cưới sát với đường sắt, tàu chạy qua đã kéo đổ rạp cưới.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: “Lực lượng chức năng không thể lúc nào cũng đứng trực trên toàn tuyến đường sắt để xử lý vi phạm giao thông được, và xử phạt cũng chỉ là một giải pháp để giáo dục con người, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Theo tôi, chúng ta nên tập trung vào các giải pháp công nghệ để ngăn chặn chủ động; tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn con người, đặc biệt là những người sống ở ven đường sắt”.

duong-sat-3.jpg
Nhiều người dân sống ven đường tàu chiếm dụng hành lang an toàn giao thông để trồng rau.

Đảm bảo hành lang an toàn đường sắt

Theo Nghị định số 56/2018/NĐ-CP về quy định quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, chiều rộng của hành lang an toàn giao thông đường sắt được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra, mỗi bên được xác định như sau: Đối với đường sắt tốc độ cao ở trong khu vực đô thị là 5 mét, ngoài khu vực đô thị là 15 mét và phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép; đường sắt đô thị đi trên mặt đất và các loại đường sắt còn lại là 3 mét.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, để ngăn chặn tai nạn giao thông đường sắt thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, đặc biệt là ngăn chặn việc mở các đường ngang dân sinh tự phát, không đảm bảo an toàn cũng như bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt. Cần phải xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, qua đó nâng cao ý thức cộng đồng về an toàn đường sắt.

Ông Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông đô thị của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: “Thông thường khi một đoàn tàu đang chạy với tốc độ khoảng 40 - 50km/giờ, nếu phanh gấp cũng phải mất ít nhất 400 - 500 mét mới có thể dừng lại được, khác hẳn với ô tô, xe máy. Giả sử người lái tàu có nhìn thấy chướng ngại vật ở phía trước và kéo phanh thì cũng không đủ để cho đoàn tàu dừng lại kịp thời, và khi đó chắc chắn va chạm sẽ xảy ra. Bởi vậy, an toàn giao thông đường sắt phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tuân thủ luật pháp và sự coi trọng tính mạng của chính người lái xe”.