Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 14-10-2024
Sản xuất công nghiệp của Hà Nội: Nhiều khởi sắc; Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm; Nhân rộng mô hình, giải pháp giảm tai nạn thương tích cho trẻ em: Cần nỗ lực từ nhiều phía; Vì sao nhà tái định cư tại khu đô thị mới Cầu Giấy chậm tiến độ?; Nhiều tuyến phố văn minh... chưa văn minh… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 14-10-2024.
Sản xuất công nghiệp Hà Nội: Nhiều khởi sắc
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm…, song nền kinh tế trong nước đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19. Thời gian qua, hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn Hà Nội cũng có nhiều khởi sắc. Với những tín hiệu tích cực của thị trường, các doanh nghiệp Thủ đô đang tiếp tục tận dụng thời cơ để tăng tốc, hoàn thành cao nhất các mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong năm nay.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, trong 9 tháng năm 2024, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành công nghiệp tiếp tục thể hiện xu hướng hồi phục tích cực, với nhiều điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của thành phố. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023 (9 tháng năm 2023 tăng 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%.
Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
“Thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, sàng lọc đảng viên; kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng” là một trong 7 yêu cầu tại Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Đây là công việc vô cùng khó khăn, nhưng không thể không làm, để giúp cho tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, khẳng định tốt vai trò lãnh đạo.
Người đảng viên khi đã giơ tay tuyên thệ trước Quốc kỳ, Đảng kỳ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chứng kiến của đảng viên trong chi bộ, khẳng định rằng: “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối phục tùng kỷ luật và sự phân công của tổ chức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...” thì đều cần phải nỗ lực rèn luyện, giữ vững lời thề thiêng liêng ấy suốt cả cuộc đời, cống hiến vì Đảng, vì nước, vì dân.
Nhân rộng mô hình, giải pháp giảm tai nạn thương tích cho trẻ em: Cần nỗ lực từ nhiều phía
Trong thời gian qua, nhiều mô hình, giải pháp giảm tai nạn thương tích cho trẻ em được thực hiện ở các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy vậy, bối cảnh ngày càng nhiều nguy cơ thương tích có thể xảy ra đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành chức năng trong việc nhân rộng các mô hình, giải pháp nhằm tạo dựng môi trường an toàn cho trẻ em.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, những năm gần đây, Việt Nam đã kéo giảm trung bình 3-5% số vụ trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, tương đương 100 trường hợp trẻ em được cứu sống mỗi năm. Con số này là đáng ghi nhận nếu so với cách nay 10 năm, khi có gần 3.000 ca trẻ em tử vong vì tai nạn thương tích mỗi năm.
Vì sao nhà tái định cư tại khu đô thị mới Cầu Giấy chậm tiến độ?
Sau 15 năm kể từ ngày được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5949/QĐ-UBND ngày 13-11-2009, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư cao tầng phục vụ di dân giải phóng mặt bằng - N01 tại ô đất D17 khu đô thị mới Cầu Giấy vẫn chưa hoàn thiện. Hiện nay, hệ thống tường bên ngoài của tòa nhà đã rêu phong, một số hạng mục xuống cấp... gây lãng phí cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường đô thị.
Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Hànộimới được biết, sau khi dự án bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, những năm gần đây và nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp để thúc đẩy hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án tiếp tục bị chậm tiến độ do vướng mắc về vốn.
Nhiều tuyến phố văn minh... chưa văn minh
Nhiệm vụ xây dựng đô thị văn minh, hiện đại đã và đang được nhiều địa phương triển khai, bước đầu mang lại những kết quả khả quan, giúp bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, trong đó điểm nhấn là mô hình tuyến phố văn minh đô thị. Tuy nhiên, dù đã có nhiều quy định “không được làm” tại các tuyến phố văn minh đô thị nhưng vẫn còn những hành vi cố tình vi phạm, như: Đỗ xe sai nơi quy định; chiếm vỉa hè, lòng đường bày bán hàng hóa; xả rác, tập kết rác thải ra hè phố, lòng đường gây ô nhiễm môi trường…
Trên các tuyến phố Lê Quang Đạo, Nguyễn Trãi, Cương Kiên (quận Nam Từ Liêm), Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông)…, dù đã triển khai cắm biển tuyến phố văn minh đô thị, yêu cầu người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán; không dừng đỗ ô tô, xe máy sai quy định; không phun, đổ nước, rác thải ra lòng đường, vỉa hè gây mất vệ sinh môi trường…, nhưng theo khảo sát, các hành vi thiếu văn minh tại các tuyến phố này vẫn diễn ra "như cơm bữa”, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị...