Hồ sơ

Giải Nobel Hòa bình 2024 vinh danh tổ chức Nihon Hidankyo: Vì một thế giới không vũ khí hạt nhân

Thùy Dương 13/10/2024 - 07:36

Trong bối cảnh xung đột toàn cầu gia tăng cùng mối đe dọa mới về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, Giải Nobel Hòa bình 2024 đã vinh danh tổ chức Nihon Hidankyo (Nhật Bản) - gồm những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử năm 1945 xuống Hiroshima và Nagasaki.

Sự kiện này như một lời nhắc nhở về trách nhiệm của tất cả các quốc gia, cộng đồng trong việc tạo nên một thế giới không bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân.

dong-chu-tich-to-chuc-nihon-hidankyo-toshiyuki-mimaki-phat-bieu-trong-mot-cuoc-hop-bao-tai-hiroshima-nhat-ban-ngay-11-10-sau-khi-giai-nobel-hoa-binh-nam-2024-duoc-cong-bo-.-anh-kyodo.png
Đồng Chủ tịch tổ chức Nihon Hidankyo Toshiyuki Mimaki phát biểu sau khi Giải Nobel Hòa bình 2024 được công bố. Ảnh: Kyodo

Là nhân chứng của 2 quả bom nguyên tử được sử dụng trong xung đột, các thành viên của tổ chức Nihon Hidankyo đã cống hiến cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tổ chức này được thành lập vào năm 1956 và có mặt tại tất cả 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản. Những năm qua, Nihon Hidankyo luôn nỗ lực kêu gọi thế giới xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Nihon Hidankyo đã 3 lần cử các phái đoàn đến những cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc về giải trừ quân bị.

Tại đây, các Hibakusha (nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki) đã kêu gọi "không còn Hibakusha nữa" dựa trên kinh nghiệm đau thương của chính họ và thúc giục các quốc gia xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Cùng với đó, tổ chức này duy trì hoạt động đều đặn, tổ chức các cuộc triển lãm ảnh về bom nguyên tử tại Liên hợp quốc và trên toàn thế giới.

Với quyết tâm và sự nỗ lực to lớn, các Hibakusha sống sót đã cống hiến cuộc đời mình để bảo đảm rằng họ là những người duy nhất trên trái đất từng trải qua nỗi kinh hoàng của vũ khí nguyên tử được sử dụng trong chiến tranh.

Ủy ban Nobel Na Uy cho biết: "Hibakusha được trao Giải thưởng Hòa bình vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và vì đã chứng minh thông qua các nhân chứng để khẳng định rằng, vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ được sử dụng nữa".

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tổ chức "Sáng kiến đe dọa hạt nhân" (NTI) Joan Rohlfing bày tỏ việc Nihon Hidankyo giành Giải Nobel Hòa bình là sự công nhận cho những hy sinh và cam kết của họ đối với một tương lai đầy hy vọng cho nhân loại.

Vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki khiến 210.000 người thiệt mạng. Trong nhiều thập kỷ, sự tàn phá xảy ra ở hai thành phố được coi là bài học lịch sử cho thấy việc sử dụng vũ khí nguyên tử là quá kinh hoàng để nghĩ đến...

Giải Nobel Hòa bình 2024 vinh danh tổ chức Nihon Hidankyo diễn ra trong bối cảnh nhiều cuộc xung đột tàn khốc đang diễn ra trên thế giới. Trong khi đó, động lực hướng tới việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân đã bị đình trệ trong những năm gần đây, vì các bên tham gia hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đã không thông qua báo cáo vào năm 2022.

Bất chấp nỗ lực toàn cầu, hiện vẫn có gần 13.000 vũ khí hạt nhân thuộc sở hữu của 9 quốc gia gồm: Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên. Không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong chiến tranh trong gần 80 năm qua, nhưng một số quốc gia đang gia tăng kho vũ khí hạt nhân của họ.

Nhiều vũ khí có sức hủy diệt lớn hơn nhiều so với quả bom Hiroshima sẵn sàng được sử dụng trong vòng vài phút. Khi đó, những hậu quả thảm khốc để lại cho con người là không thể đong đếm. Chính vì vậy, cách duy nhất để bảo đảm rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng là loại bỏ chúng. Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới nhận ra mối đe dọa hiện hữu mà vũ khí hạt nhân gây ra. Đã có 68 quốc gia phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và 27 quốc gia khác ký kết.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã ca ngợi việc trao giải thưởng cho Nihon Hidankyo là vô cùng ý nghĩa. Giáo sư danh dự tại Đại học Meiji Gakuin Takahara Takao, người đã tham gia nghiên cứu giải trừ vũ khí hạt nhân trong nhiều năm nhận định: "Tôi nghĩ rằng lập trường của Nihon Hidankyo tiếp tục bác bỏ lý thuyết răn đe hạt nhân, đã được công nhận là đúng đắn".

Ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân là điều quan trọng, nhưng việc kiềm chế rủi ro tại thời điểm này là bắt buộc. Vào thời điểm mà điều cấm kỵ về hạt nhân đang bị đe dọa, lời cảnh báo của Ủy ban Nobel về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong tương lai là lời kêu gọi hành động để bảo đảm rằng ngày 9-8-1945 là ngày cuối cùng vũ khí hạt nhân được sử dụng.

Năm tới đánh dấu 80 năm kể từ khi người dân Nhật Bản phải gánh chịu hậu quả không thể tưởng tượng của vũ khí hạt nhân, thế giới nên lắng nghe câu chuyện về những chiến sĩ dũng cảm vì hòa bình này để quá khứ đau thương liên quan đến vũ khí hạt nhân không bao giờ lặp lại.