Hà Nội và các tỉnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn: Bảo đảm nguồn cung, kiểm soát chất lượng
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kết nối, xúc tiến đưa nông sản, thực phẩm an toàn của các tỉnh, thành phố về Thủ đô tiêu thụ.
Qua đó, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng tại Hà Nội và kiểm soát được chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Cung cấp lượng lớn nông sản cho Thủ đô
Thực hiện Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND ngày 23-10-2021 giữa Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã ký kết với Sở NN&PTNT Hà Nội Chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đang duy trì 14 chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm cho thành phố Hà Nội, gồm: 11 chuỗi sản xuất, cung ứng rau, quả; 1 chuỗi sản xuất cung ứng thịt lợn; 1 chuỗi sản xuất, cung ứng thịt gà; 1 chuỗi sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng. Một số doanh nghiệp trong các chuỗi như: Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp Wineco Tam Đảo, Công ty TNHH Nấm Phùng Gia... đã cung cấp ổn định rau, củ, quả, nấm cho thị trường Hà Nội thông qua hệ thống siêu thị Winmart với sản lượng hằng năm khoảng 2.000 tấn rau, củ, quả và 150 tấn nấm đùi gà, nấm yến. Ngoài hệ thống siêu thị Winmart, sản phẩm nông sản tỉnh Vĩnh Phúc còn được tiêu thụ tại các hệ thống cửa hàng thực phẩm, siêu thị khác ở Hà Nội.
Bên cạnh cung cấp sản phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm, các thương lái đã thu mua hàng chục nghìn tấn nông sản của Vĩnh Phúc như: Thịt lợn, thịt gà, trứng gà, thủy sản, thủy cầm… để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Ước tính số lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp về thành phố Hà Nội mỗi năm đạt 12.000 tấn rau, củ, quả; hơn 50 triệu quả trứng gà; khoảng 10.000 tấn gà thịt; 20.000 tấn lợn thịt…
Tương tự, tỉnh Phú Thọ cũng đã xây dựng và phát triển 27 chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cung cấp cho thị trường Hà Nội với các sản phẩm như: Chè, bưởi, chuối, rau, gạo, hồng không hạt, thịt và sản phẩm từ thịt, sản phẩm OCOP… 100% sản phẩm tham gia chuỗi được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng an toàn với bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu tiêu dùng.
Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, năng lực sản xuất của Hà Nội mới chỉ đáp ứng 20-70% nhu cầu, trong đó thịt lợn, thịt gia cầm, thủy sản nước ngọt cơ bản đáp ứng nhu cầu; gạo đáp ứng 70%; rau, củ đáp ứng 57%; thịt trâu, bò đáp ứng 19%; thực phẩm chế biến 20%... Lượng hàng hóa còn thiếu cùng đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô được cung cấp từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhập khẩu.
“Đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì, hỗ trợ phát triển gần 1.000 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Thông tin hai chiều để giám sát chất lượng
Hiện, công tác phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho thành phố đã được các địa phương quan tâm, song số lượng chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng cho Hà Nội chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Công tác kết nối, chia sẻ thông tin về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, nhu cầu tiêu thụ, khả năng cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản tuy đã được các địa phương triển khai nhưng thực hiện chưa thường xuyên. Nhiều sản phẩm từ các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ vẫn ở dạng tươi sống, chưa có bao bì, nhãn mác hoàn chỉnh, sản phẩm chế biến sâu còn ít, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hạn chế…
Để tăng cường công tác phối hợp, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn từ các tỉnh về Hà Nội tiêu thụ, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, các địa phương cần quan tâm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, phát triển các chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn cung cấp cho thành phố Hà Nội; chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về tình hình dịch bệnh, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm để tạo thuận lợi trong công tác quản lý. Cùng với đó là tăng cường tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn sản xuất công nghệ cao, bền vững; phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP, HACCP; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, cung cấp tới doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng để nhận biết, an tâm sử dụng.
Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho rằng, các địa phương cần định kỳ, thường xuyên cung cấp, chia sẻ thông tin về sản lượng, chất lượng, mùa vụ, vùng nguyên liệu, đầu mối liên hệ cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương. Đối với thành phố Hà Nội, cần thường xuyên cung cấp, chia sẻ thông tin về nhu cầu, yêu cầu chất lượng, thông tin liên hệ của các doanh nghiệp, cơ sở phân phối trên địa bàn thành phố gửi các địa phương để kết nối giao thương. Các địa phương cần hỗ trợ cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, nhãn mác sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quảng bá trực tuyến, đẩy mạnh thương mại điện tử; tăng cường thông tin về tình hình cung - cầu, chủ trương, biện pháp bình ổn thị trường đối với vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã có kế hoạch sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường.