Văn hóa

“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” - mốc son mới của Thành phố sáng tạo: Tạo cơ chế hợp tác phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa

Hoàng Lân thực hiện 12/10/2024 - 08:53

Hà Nội có nguồn lực văn hóa phong phú cùng nhiều điều kiện thuận lợi về địa điểm, không gian nghệ thuật sáng tạo hấp dẫn để có thể trở thành thành phố lễ hội, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Nhưng đến nay, hiệu quả khai thác nguồn lực văn hóa, di sản còn khiêm tốn, cần có thêm những chương trình, lễ hội tầm cỡ góp phần định danh điểm đến di sản, “Thành phố sáng tạo”. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Hoàng Công Cường, người vừa đảm nhiệm vai trò tổng đạo diễn chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

hoang-cong-cuong.jpg

Hà Nội - thành phố của lễ hội di sản

- Với chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, lần đầu tiên hàng trăm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể nổi tiếng của Hà Nội cùng nhau "cất tiếng" trên một sân khấu đại thực cảnh lớn là khu vực hồ Hoàn Kiếm. Điều này cho thấy, Hà Nội có khả năng tổ chức những lễ hội văn hóa lớn có sức hút và sức lan tỏa rộng lớn, anh nghĩ sao về điều này?

- Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” với sự tham gia của 10 nghìn người biểu diễn, diễu hành tại hồ Hoàn Kiếm, có thể coi là một chương trình đại thực cảnh quy mô lớn mà khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm là sân khấu chính. Thách thức rất lớn, nhưng nhờ có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành và người dân, chúng ta đã làm được.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ hội văn hóa lớn. Trước đó, Thủ đô đã tổ chức rất nhiều sự kiện tầm cỡ, như gần đây là lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 mà tôi vinh dự giữ vai trò tổng đạo diễn. Tuy nhiên, việc dàn dựng chương trình quy mô lớn với hàng nghìn người tham gia tại sân vận động khác rất nhiều so với việc tổ chức biểu diễn ở sân khấu thực cảnh ngoài trời, lại nằm trong khu vực giao thông đông đúc như ở hồ Hoàn Kiếm. Nhưng tôi vẫn khẳng định, hồ Hoàn Kiếm là địa điểm tuyệt vời để tổ chức các sự kiện quan trọng, nhất là các lễ hội văn hóa.

- Hà Nội sở hữu số lượng di sản vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống nhiều nhất cả nước. Theo anh, với lợi thế này, Hà Nội có thể trở thành thành phố lễ hội di sản?

- Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố khác đã và đang xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng. Thừa Thiên Huế có Festival Huế, Đà Nẵng có Lễ hội pháo hoa, Nha Trang (Khánh Hòa) có Lễ hội ánh sáng và Festival biển, Đà Lạt (Lâm Đồng) có Lễ hội hoa... Thủ đô Hà Nội được mệnh danh là “Thành phố di sản” với lượng di sản dồi dào, phong phú, trong đó có những di sản nổi danh thế giới như Hoàng thành Thăng Long, ca trù, Lễ hội Gióng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Tiềm năng là rất lớn.

Kể câu chuyện Hà Nội bằng văn hóa

- Nhiều người cho rằng, vì Hà Nội giàu tiềm năng về di sản, văn hóa nên gặp khó trong việc lựa chọn tinh hoa để xây dựng những lễ hội văn hóa có tính biểu tượng...

- Đúng là Hà Nội có nhiều di sản, di tích, lễ hội được trải đều ở các địa phương; mỗi địa phương lại có cách thực hành di sản khác nhau, chẳng hạn như cùng tín ngưỡng thờ Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng thì hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn) và hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) có hình thức tổ chức khác nhau. Điều đó nói lên rằng, văn hóa, di sản của Hà Nội rất đa dạng và mỗi di sản đều có câu chuyện riêng gắn với tục lệ, truyền thống của địa phương. Nếu biết cách khai thác, mỗi di sản này đều là sản phẩm văn hóa vô cùng độc đáo.

Khi lựa chọn di sản để phát triển thành sản phẩm văn hóa du lịch, cần có những câu chuyện để khai thác. Không gì hấp dẫn hơn là kể chuyện văn hóa, lịch sử của Hà Nội bằng nghệ thuật biểu diễn. Chỉ là cách kể thế nào để sinh động, lôi cuốn người xem, thu hút được du khách. Đó là bài toán cần được tính toán, đầu tư có tính trọng tâm. Quan điểm của tôi, Hà Nội nên tập trung khai thác những di sản đã được UNESCO công nhận và những di sản cấp quốc gia. Ở đó có nhiều câu chuyện hay để kể với du khách, chẳng hạn như từ cầu Long Biên, Hoàng thành Thăng Long có thể kể những câu chuyện về trầm tích văn hóa, lịch sử; Văn Miếu - Quốc Tử Giám là câu chuyện về đạo học...

- Hiện nay, Hà Nội còn thiếu sản phẩm lễ hội đặc trưng để thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Là đạo diễn có đóng góp đáng ghi nhận trong nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn, anh có thể hiến kế để Hà Nội định vị danh xưng điểm đến lễ hội di sản?

- Để có được điều đó, Hà Nội nên lựa chọn những lớp lang về văn hóa, lịch sử để xây dựng sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có tính thường xuyên, trải đều các tháng trong năm. Hoàng thành Thăng Long, khu vực hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hay sau này là khu vực ven sông Hồng... đều có thể trở thành sân khấu thực cảnh, nơi tổ chức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy hợp tác công - tư, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Trong đó, vai trò quản lý của nhà nước rất quan trọng, đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; cần có chính sách riêng trong hoạt động du lịch, đưa các chương trình lễ hội vào sản phẩm tour - điều mà nhiều quốc gia đang làm rất tốt. Như tại Trung Quốc, các đoàn khách tới Lệ Giang thường tham gia tour thực cảnh “Ấn tượng Lệ Giang”, đến Quế Lâm thì xem show “Ấn tượng Lưu Tam Giới”... Để biến nguồn lực văn hóa thành động lực phát triển kinh tế, biến “tiềm năng” thành “tiền năng” thì cần phải có chiến lược quy hoạch, đầu tư bài bản và đúng tầm, đúng trọng tâm.

- Trân trọng cảm ơn anh!