Điểm tựa chinh phục những tầm cao mới
Chặng đường 70 năm đầy thử thách và vinh quang là điểm tựa để chúng ta bước tiếp trên hành trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện của thành phố đã chia sẻ với độc giả Báo Hànộimới về niềm tin và ý chí quyết tâm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai:
Luật thủ đô đi vào cuộc sống sẽ đem lại sức sống mới, động lực mới cho hà nội
Trong những ngày này, người dân Thủ đô bồi hồi, xúc động, tự hào nhớ về mùa thu lịch sử cách đây 70 năm, ngày Thủ đô hoàn toàn được giải phóng. Từ Điện Biên hào hùng đến Ba Đình lịch sử, từng đoàn quân tiến về trong cờ hoa và sự đón chào của nhân dân.
Trong suốt 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và thịnh vượng của đất nước, là trái tim của cả nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Về tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá; có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để thành phố Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan với những điều kiện đặc thù. Những điều khoản đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong nội dung trao trách nhiệm, trao quyền cho Thủ đô theo phương hướng ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật... sẽ tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển.
Cả hệ thống chính trị thành phố và nhân dân Thủ đô đang cùng vào cuộc hành động trên dưới một lòng hướng về một đích. Đó là cơ sở để tin rằng Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống thuận lợi, thực sự đem lại sức sống mới, động lực mới, định hình một vóc dáng mới cho Hà Nội - Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến:
Vượt qua thách thức, tạo thành tựu đáng khích lệ
Là một trong bốn quận "lõi" của Thủ đô, trung tâm hành chính, chính trị quốc gia, việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được quận Ba Đình coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, công tác phát triển văn hóa - xã hội được cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, 49/52 di tích trên địa bàn quận Ba Đình đã và đang được tu bổ, tôn tạo. Quận đã quan tâm cải tạo hạ tầng, không gian đô thị gắn với việc phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tạo điểm đến thu hút du khách.
Là đơn vị được Thành ủy, UBND thành phố lựa chọn để ưu tiên triển khai, tạo bước đột phá trong thực hiện “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố”, quận Ba Đình đã tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các Đồ án quy hoạch chi tiết khu tập thể Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh theo hướng không tăng dân số hiện hữu, tạo dư địa cho phát triển kinh tế - xã hội. Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư, giữ vững chất lượng và vị thế lá cờ đầu của Thủ đô; tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành... Những nỗ lực, thành tựu đó của các cấp chính quyền địa phương đã góp phần xây dựng một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Trong thời gian tới, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hà Nội, 2 quy hoạch lớn của Thủ đô (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội) đang được hoàn thiện, phê duyệt sẽ tạo ra hành lang pháp lý, cơ sở chính trị, điểm tựa vững chắc cho Thủ đô nói chung và quận Ba Đình nói riêng có cơ hội xây dựng, kiến tạo không gian phát triển. Trong đó, các nhiệm vụ cần tập trung hàng đầu là bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển cơ sở hạ tầng bảo đảm sự hài hòa, cân đối những khu vực cải tạo, tái thiết; bảo tồn, phát huy những khu vực di sản, những yếu tố đặc thù; các giá trị vật thể cũng như tinh thần, văn hóa cần được khôi phục, nâng tầm. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... Quận Ba Đình sẽ nỗ lực cùng toàn thành phố hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại:
Phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn
Sau khi Thủ đô được giải phóng, ngày 30-11-1954, Bộ Canh nông đã thành lập Sở Canh nông Hà Nội, tiền thân của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội hiện nay. Nông nghiệp Hà Nội sau Ngày Giải phóng Thủ đô bị ảnh hưởng nặng nề do chiến tranh tàn phá. Ngoại thành tiêu điều, ruộng đất hoang hóa, sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi hoành hành, trâu bò ít, sức kéo thiếu, hệ thống thủy lợi hầu như chưa có... Qua nhiều lần được đổi tên, chia tách, hợp nhất để phù hợp với tình hình thực tế, năm 2008, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội được thành lập lại trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây.
Trong 70 năm qua, Thành phố ra sức đầu tư để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân. Đến nay, Hà Nội có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 7 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 66,01 triệu đồng.
Đối với sản xuất nông nghiệp, Hà Nội đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao, như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây ăn quả... Trên địa bàn thành phố hiện có 1.491 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 1.297 hợp tác xã đang hoạt động, và có 1.638 trang trại. Thành phố cũng có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động. Hà Nội cũng dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Lũy kế đến hết năm 2023 đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp của Thủ đô tiếp tục phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn. Trong đó, khâu đột phá là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất song hành với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam:
Tạo nguồn lực phát triển Thủ đô qua hiện thực hóa Luật Đất đai 2024
Năm 2024, năm tăng tốc đặc biệt quan trọng của đất nước - năm phải quyết liệt, nhiệt huyết, chung sức, đồng lòng bứt phá để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở xác định trọng tâm thời gian tới là đẩy mạnh tuyên truyền Luật Đất đai 2024. Ngày 1-8-2024, Luật Đất đai chính thức có hiệu lực, sớm hơn so với dự định 5 tháng, nhằm nhanh chóng hiện thực hóa các chủ trương, chính sách mới, tạo ra đột phá trong quản lý đất đai. Luật Đất đai 2024 kế thừa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp; đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới bảo vệ tốt hơn quyền hợp pháp của người dân, đặc biệt trong trường hợp người bị thu hồi đất, góp phần hạn chế và giải quyết tốt hơn khiếu kiện về đất đai, như đa dạng hình thức bồi thường về đất, quy định thêm nhiều khoản hỗ trợ cho người bị thu hồi đất.
Bên cạnh đó, luật cũng cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư... Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án. Khi Nhà nước thu hồi đất mà phần diện tích còn lại của thửa đất sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu, nếu người sử dụng đất đồng ý thu hồi đất, thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật...
Một điểm nhấn khác là đổi mới giá đất, khai thác lợi ích kinh tế từ đất đai theo cơ chế thị trường. Thực tế đây là một trong những nội dung quan trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và quyết định đến việc khai thác những lợi ích kinh tế từ đất đai theo cơ chế thị trường. Do đó, Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi, bổ sung thay thế nhiều quy định về giá đất còn hạn chế, bất cập trong Luật Đất đai 2013 với mục tiêu hướng đến khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai cho phát triển bền vững.
Để hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, cơ chế xác định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện sẵn sàng triển khai, đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống, từ đó phát huy tối đa nguồn lực đất đai, tiếp tục xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa:
Chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp
Trong 70 năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là chính quyền Thủ đô, lực lượng nông dân Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế quan trọng. Nông dân Thủ đô đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào lớn như xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống và bảo vệ môi trường. Chúng ta tự hào khi thấy nhiều vùng quê Hà Nội ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp. Điều này là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc phát động, thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Hà Nội. Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng ghi dấu những đóng góp lớn lao của nông dân Hà Nội.
Thành phố luôn chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển kinh tế và nâng cao đời sống. Các chương trình hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và phát triển hạ tầng nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ, giúp người nông dân có thêm nguồn lực phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Ngày nay, Hội Nông dân Hà Nội tự hào khi hơn 500.000 hội viên cùng tham gia và sở hữu Quỹ Hỗ trợ nông dân lớn nhất cả nước với quy mô hơn 800 tỷ đồng, chưa kể các nguồn vốn ưu đãi khác. Đây là nguồn lực quan trọng giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất, tăng quy mô kinh doanh, đảm bảo đời sống, góp phần làm giàu cho quê hương.
Trong giai đoạn phát triển mới, nông dân Hà Nội tiếp tục giữ vai trò then chốt trong việc thực hiện những mục tiêu lớn mà Thủ đô đặt ra. Hội Nông dân Hà Nội tập trung phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và gắn liền với các giá trị văn hóa địa phương. Ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái sẽ được đẩy mạnh để tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
70 năm qua là chặng đường đầy tự hào của nông dân Hà Nội. Hội Nông dân Hà Nội không ngừng nỗ lực, phát huy truyền thống tốt đẹp, cùng chung tay xây dựng Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh và phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị hàng đầu của cả nước.