An toàn thực phẩm

Huyện Thạch Thất: Coi trọng tuyên truyền và giám sát an toàn thực phẩm

Quỳnh Dung 12/10/2024 - 06:25

Từ đầu năm đến nay, để kiểm soát an toàn thực phẩm, huyện Thạch Thất yêu cầu các đơn vị, xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho người dân. Cùng với đó, huyện cũng tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

thach-that.jpg
Huyện Thạch Thất đẩy mạnh tuyên truyền an toàn thực phẩm. Ảnh: Thanh Hải

Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 2.135 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý: 913 cơ sở; ngành Công Thương quản lý 717 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 505 cơ sở. Huyện có 19 chợ (3 chợ chính; 16 chợ tại các xã, thị trấn); 15 cửa hàng tiện ích; 13.367 cơ sở (hộ) sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Công tác thông tin tuyên truyền các nội dung bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, liên tục và tăng tần suất trong các đợt cao điểm về an toàn thực phẩm. Theo đó, huyện đã tổ chức 28 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức thuộc các lĩnh vực: Y tế, Nông nghiệp, Công Thương với tổng số người tham gia là 22.549 người; viết 30 tin bài với số lần phát 3 lần/tuần trên đài phát thanh huyện về công tác an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn tổ chức 23 buổi nói chuyện, tọa đàm chuyên đề tại 23 xã, thị trấn về công tác an toàn thực phẩm với tổng số 3.352 người tham dự; viết 81 tin bài với số lần phát 3 lần/tuần trên đài truyền thanh tại các xã, thị trấn.

Cùng với công tác tuyên truyền, huyện đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tuyến huyện kiểm tra, giám sát 159 cơ sở, xử lý vi phạm 12 cơ sở với số tiền 148 triệu đồng. Ngoài ra, ngày 18-8, trên địa bàn huyện xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm ở 1 hộ gia đình thuộc thôn 1, xã Thạch Hòa. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội điều tra, xử lý ngộ độc và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện còn khó khăn do đa số các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ lẻ, theo thời vụ, thường xuyên biến động gây khó khăn trong công tác quản lý. Số lượng cơ sở thực phẩm do cấp xã quản lý là rất lớn; trong khi mỗi xã, thị trấn chỉ giao cho một cán bộ, công chức phụ trách theo dõi công tác an toàn thực phẩm, hoạt động kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Để kiểm soát an toàn thực phẩm các tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống các bệnh về đường tiêu hóa, tránh sử dụng thực phẩm không an toàn. Đồng thời, huyện tổ chức tập huấn kiến thức cho người tiêu dùng thực phẩm tại các xã, thị trấn về cách lựa chọn thực phẩm, cách xử lý khi nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường... Mặt khác, huyện tiếp tục thực hiện tốt các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức giám sát, phát hiện các trường hợp ngộ độc thực phẩm để xử lý, điều trị kịp thời, phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội trong điều tra, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn (nếu có).