Kinh tế

Giá điện tăng 4,8% từ ngày 11-10:Cần tính đúng, tính đủ giá thành điện

Hồng Anh 12/10/2024 06:10

Chiều 11-10, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo Quyết định số 1046/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ ngày 11-10-2024, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.006,79 đồng, lên 2.103,11 đồng/1kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 4,8%. Bất cập về cơ cấu giá điện và lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

gia-dien-2.jpg
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện, chiều 11-10. Ảnh: Đức Duy

Tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến các hộ dân, khách hàng?

Trao đổi với báo giới chiều 11-10 về quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ căn cứ theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 09/2024/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định tính toán giá bán điện bình quân, để bảo đảm cân đối, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Về đánh giá tác động của việc tăng giá điện đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Nguyễn Xuân Nam cho hay, mức tác động khoảng 0,04% là rất thấp.

Về ảnh hưởng đối với người dân, khách hàng khi thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện, đại diện EVN cho biết, việc tác động phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm. Cụ thể: Đối với các hộ sử dụng điện dưới 50kWh (chiếm 11,51% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 51-100 kWh (chiếm 15,53% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện tăng khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101-200kWh (chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201-300kWh (chiếm 18,5% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng. Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301-400kWh (chiếm khoảng 8,87% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng. Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Xuân Nam, hiện tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ. "Như vậy, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (tiêu thụ dưới 200kWh/tháng) ở mức vừa phải" - ông Nguyễn Xuân Nam khẳng định.

Về ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đối với khách hàng kinh doanh dịch vụ, hộ sản xuất, xí nghiệp, đại diện EVN cũng chia sẻ, với 547.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ đang sử dụng điện, mỗi hộ chịu mức tăng thêm bình quân 247.000 đồng/tháng. Với 1,921 triệu hộ sản xuất, tiền điện tăng khoảng 499.000 đồng/tháng. Với 691 khách hàng hành chính sự nghiệp, tiền điện sau điều chỉnh tăng thêm 91.000 đồng/tháng.

Giá bán điện đang thấp hơn chi phí sản xuất

Trước đó (ngày 10-10), Bộ Công Thương công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN. Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu cho biết, để bảo đảm khách quan, minh bạch, đoàn kiểm tra được thành lập gồm đại diện các bộ, ngành, hiệp hội liên quan và nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điện lực. Đoàn đã kiểm tra thực tế tại EVN và các đơn vị thành viên, các tổng công ty điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia... Kết quả kiểm tra cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Theo báo cáo của EVN và quá trình kiểm tra, năm 2023, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện, gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình thế giới và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%, trong khi các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, buộc phải tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao.

Lãnh đạo EVN cũng nhiều lần chia sẻ, mặc dù EVN cùng các đơn vị thành viên đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí, như tiết kiệm 10-15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20-50% chi phí sửa chữa lớn. Tuy nhiên, do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao nên đơn vị tiếp tục lỗ sản xuất, kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp. Số lỗ này chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Trong đó, cứ mỗi kWh điện bán ra, EVN lỗ hơn 142 đồng. Đáng lưu ý, năm 2023, sau 2 lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân (tăng thêm 7,5%), Tập đoàn vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất.

Lộ trình cải cách giá điện như thế nào mới hợp lý?

Liên quan đến giá bán điện, chia sẻ tại cuộc tọa đàm về "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp" được tổ chức mới đây, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, cách tính giá bán điện hiện nay không hợp lý. Giá bán điện thấp hơn giá mua vào và giá thành sản xuất khiến EVN bị lỗ là điều nhìn thấy trước. “Chênh lệch càng lớn thì lỗ càng lớn và cho dù EVN có tiết giảm chi phí đến đâu đi nữa cũng không thể bù nổi. Chưa kể việc tiết kiệm chi phí có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận hành hệ thống điện”, ông Phan Đức Hiếu nêu.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh chỉ ra, Chính phủ đang nỗ lực thông qua EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đạt các mục tiêu về an sinh xã hội, ổn định chi phí vì điện năng là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm chi phí sản xuất ở mức độ phù hợp cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn. Hơn nữa, mức giá điện hiện nay sẽ khó thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và cũng gây khó khăn cho triển khai quy hoạch phát triển điện về trung, dài hạn.

Để giải quyết những bất cập về giá điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải tuân thủ Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, tức là đầu vào cứ tăng với mức độ nhất định thì được điều chỉnh giá bán. Chuyên gia này cũng lưu ý, giá điện bám sát sự biến động của thị trường, không hoàn toàn thả nổi theo cơ chế thị trường. Đây chính là cơ chế tính giá ở mức độ hợp lý. "Nguyên tắc xuyên suốt là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ cho ngành Điện", ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.

Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường, giá điện cũng phải tách bạch chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo.

Nhiều chuyên gia cùng đồng tình về việc cần sớm có lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện, bảo đảm giá điện vừa hợp lý, vừa bù đắp được chi phí, từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành Điện. Về lâu dài, cần chỉnh sửa cơ chế giá điện trong Luật Điện lực nhằm bảo đảm tính ổn định nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận và có động lực đầu tư.

Chính sách hỗ trợ các hộ nghèo về tiền điện

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hằng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách (áp dụng theo Quyết định 2941/QĐ-BCT ngày 8-11-2023 của Bộ Công Thương) là 59.500 đồng/hộ/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện khoảng 62.500 đồng/hộ/tháng. Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, giúp đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn.