Góc nhìn

Tự tin bước vào kỷ nguyên thông minh

Chí Kiên 12/10/2024 - 06:07

Phát triển khoa học và công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là vấn đề mang tính cốt lõi, động lực đột phá để bước vào kỷ nguyên thông minh. Đặt trong bối cảnh nước ta hiện nay, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế tri thức và hướng đến phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển chung của nhân loại.

Bằng những bước đi cụ thể để bước vào kỷ nguyên thông minh, Việt Nam đang tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), huy động mọi nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khai thác nguồn lực nội sinh (thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử, con người) và kết hợp sức mạnh, nguồn lực bên ngoài (vốn, quản trị, công nghệ, đào tạo nhân lực…).

Kết quả nổi bật là việc xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số và phát triển kinh tế số đã, đang đạt được những thành tựu đáng kể, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Đáng kể là hoạt động hiệu quả của Cổng dịch vụ công quốc gia khi cung cấp gần 4.500 dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân, doanh nghiệp ở bất cứ đâu cũng có thể thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, hiệu quả. Trong đó, nhiều thủ tục hành chính thiết yếu được tích hợp đã tiết kiệm đáng kể nguồn lực (tài chính, con người) cho Nhà nước cũng như công dân.

Đặc biệt, ứng dụng định danh điện tử VNeID ra đời là một bước tiến đột phá, góp phần xây dựng xã hội thông minh. Bởi việc VNeID tích hợp được nhiều trường thông tin cá nhân quan trọng đã có thể thay thế giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.

Hiện nay, với 12 tiện ích được tích hợp, ứng dụng VNeID đạt hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng hằng ngày. Mới đây, Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID - những lĩnh vực được nhiều người dân quan tâm, đã chính thức được kích hoạt triển khai mở rộng thí điểm trên toàn quốc… Bên cạnh đó, những ứng dụng như Etax - thuế điện tử (nộp thuế, tra cứu nghĩa vụ thuế, tra cứu thông báo thuế...) của Tổng cục Thuế; ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số (theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tra cứu mã số bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội…) của Bảo hiểm xã hội Việt Nam… cũng mang lại giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Trong phát triển kinh tế số, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Đáng chú ý, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022); Chỉ số phát triển chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia lên vị trí 71/193… Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lọt vào tốp 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu… Chỉ số phát triển con người của nước ta nằm trong nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển.

Dẫn chứng như vậy để thấy, việc tập trung phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, từng bước tiến vững chắc vào kỷ nguyên thông minh ở nước ta đã lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phục vụ và thụ hưởng. Hay nói cách khác, Việt Nam phát triển kỷ nguyên thông minh chính là kỷ nguyên phát triển vì con người.

Chia sẻ về tầm nhìn trong kỷ nguyên phát triển mới tại cuộc giao lưu, đối thoại với sinh viên các trường đại học về chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ” diễn ra chiều 7-10 vừa qua tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Trước hết, chúng ta phải tự tin, bản lĩnh và chúng ta có cơ sở để tự tin, bản lĩnh tham gia kỷ nguyên thông minh. Với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng, chúng ta có bản lĩnh, tự tin để đi lên, vượt qua giới hạn của chính mình”.

Phát triển khoa học công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để bước vào kỷ nguyên thông minh đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ các vấn đề đặt ra ở nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội. Đó là giải pháp thông minh phải thực sự chuyển hóa thành cải thiện về năng suất lao động, trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế; sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển bền vững các ngành kinh tế; thúc đẩy hợp tác đa phương; xây dựng xã hội bình đẳng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau…

Để hiện thực hóa những giá trị to lớn của kỷ nguyên thông minh mang lại, rõ ràng, chúng ta phải hóa giải các thách thức về khoảng cách công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng, nhân lực; quy mô kinh tế, nguồn lực còn hạn chế; biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa an ninh lương thực, nguồn nước, năng lượng. Đồng thời, chúng ta phải tận dụng tốt lợi thế của người đi sau khi có điều kiện đi thẳng lên những công nghệ, giải pháp mới nhất; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, tiếp cận khoa học công nghệ nhanh, hiệu quả; quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, Việt Nam sẽ cùng các quốc gia trên thế giới tự tin bước vào kỷ nguyên thông minh của nhân loại.