Tăng trưởng xanh vì một Thủ đô xanh
Với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực và nỗ lực triển khai, nhiều mục tiêu tăng trưởng xanh của Hà Nội đang trên đường về đích. Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục đồng bộ giải pháp, từ cơ chế chính sách tới thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế theo hướng xanh hóa. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong.
- Ông đánh giá thế nào về thực trạng tăng trưởng xanh của Hà Nội?
- Quán triệt các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và đồng hành cùng cả nước, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều mục tiêu và giải pháp được cụ thể trong những chương trình, đề án, kế hoạch. Tiêu biểu là Kế hoạch điều hành triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn 2050; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại". Đặc biệt, theo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thành phố đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2025, Hà Nội trở thành thành phố đi đầu trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.
Nhiều giải pháp trọng tâm đang được Hà Nội triển khai. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ xanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học cao, dịch vụ trình độ cao, nông nghiệp sinh thái, giảm thiểu phát thải; khai thác hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm...
Với nhiều nỗ lực, các nhóm chỉ tiêu tăng trưởng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang được cải thiện. Đến nay, 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch. Tỉ lệ thu gom rác bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tại khu vực đô thị đạt trên 97,6%. Hiện có gần 100% các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn được quản lý xả thải, có bể chứa, bể gom và máy lọc trước khi xả ra môi trường và khoảng gần 30% lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được thu gom, xử lý... Nhiều mục tiêu và chỉ tiêu tăng trưởng xanh khác vẫn đang trên đường về đích.
- Theo ông, để tăng trưởng xanh, doanh nghiệp cần hỗ trợ gì?
- Hà Nội có cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh lớn thứ 2 cả nước. Ngày càng nhiều doanh nghiệp có ý thức và hành động thiết thực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tăng trưởng xanh, một mặt gây áp lực cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặt khác là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp duy trì và cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo cơ hội kinh doanh mới. Một số cơ hội đầu tư và động lực do tăng trưởng xanh mở ra, như áp dụng công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm mới, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường, giảm thải các bon; sản xuất và phân phối sản phẩm tiêu dùng sinh thái; xây dựng bất động sản xanh, vùng chuyên canh, hải cảng xanh...
Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về quy hoạch, chính sách tài chính - tín dụng, thông tin và công nghệ cũng như đào tạo nhân lực. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hỗ trợ xây dựng các quy chuẩn, dán nhãn hiệu tăng trưởng xanh trong từng lĩnh vực, địa bàn, sản phẩm; thúc đẩy các dịch vụ xúc tiến thương mại, đầu tư và các hỗ trợ tư pháp khác nhau...
- Quá trình thúc đẩy tăng trưởng xanh của Hà Nội còn đặt ra những vấn đề gì, thưa ông?
- Thành phố đã và đang thay đổi mạnh mẽ, mở rộng, hiện đại và đẹp hơn, nhận thức về tăng trưởng xanh cũng được nâng lên; tuy nhiên thành phố mới chỉ đi những bước đầu tiên, với kết quả còn khiêm tốn. Hà Nội cũng đang đối diện với nhiều vấn đề và còn nhiều việc phải làm để tăng trưởng xanh hơn. Đáng quan ngại nhất là việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, sông hồ và rác thải... Đặc biệt, Hà Nội cần ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Theo Tổng cục Môi trường, trong số ý kiến phản ánh của cộng đồng về các vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc tại địa phương có đến 70% liên quan đến ô nhiễm không khí. Kết quả khảo sát 228 làng nghề năm 2019 và năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, dấu hiệu ô nhiễm bụi ghi nhận ở 3 nhóm làng nghề nhuộm, thuộc da; làng nghề thủ công, mỹ nghệ và làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm... Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm các sông, hồ và ứ đọng rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô vẫn đang là chủ đề nóng và chậm được cải thiện...
Nhìn chung, dù có nhiều nỗ lực nhưng kết quả tăng trưởng xanh ở một số chỉ tiêu thấp hơn mức trung bình cả nước và chưa tương xứng với tiềm năng nguồn lực và yêu cầu bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô.
- Vậy theo ông, Hà Nội cần có giải pháp gì để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh?
- Theo tôi, thứ nhất Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường. Trong đó, thường xuyên rà soát, bổ sung, nâng cấp các quy chuẩn về môi trường, khí thải và chất lượng không khí; xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế và các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế, giảm thiểu phát thải... Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để Hà Nội đột phá trong xây dựng giải pháp đặc thù nhằm bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thứ hai, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế trong đó cần thí điểm và nhân rộng các mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh và thương mại xanh, gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững; tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước cụm công nghiệp, làng nghề. Thành phố cần đẩy nhanh quá trình tham gia và phát triển thị trường tín chỉ các bon cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng quốc tế.
Đặc biệt, Thành phố cần rà soát các quy hoạch, kế hoạch để bảo đảm sự phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh; lồng ghép các nội dung tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội cần xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng rộng rãi thiết bị năng lượng có hiệu suất cao, thay thế, loại bỏ dần công nghệ lạc hậu.
Thứ ba, Thành phố nên xây dựng bộ nhãn xanh, sinh thái đối với các loại thực phẩm, sản vật của thành phố; triển khai chương trình thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm dán nhãn xanh, sinh thái và chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp. Tập trung hỗ trợ các làng nghề thay đổi công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục thực hiện đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề...
Ngoài ra, Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường, phổ biến thông tin, tập huấn áp dụng các văn bản quản lý môi trường; tăng cường dự báo, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
- Trân trọng cảm ơn ông!