Nét Thanh Xuân ở thành phố ngàn năm tuổi
Được thành lập khi Thủ đô và đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, quận Thanh Xuân đã nỗ lực phát huy truyền thống đoàn kết, sức mạnh của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực phát triển. Thành công của quận trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự đổi thay của Hà Nội hôm nay.
Dần hiện hữu dáng dấp hiện đại
Được thành lập ngày 28-12-1996 trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Thanh Xuân luôn đoàn kết, chủ động khai thác hiệu quả nguồn lực, thế mạnh của địa phương, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao và mục tiêu đã đặt ra. Trong đó, đáng chú ý là công tác thu ngân sách hằng năm của quận luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố Hà Nội giao. Cùng với đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất trên địa bàn cả năm 2023 đạt 105.982 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng đạt 55.419 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt 50.562 tỷ đồng.
Nhớ lại năm 1997, hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị của Thanh Xuân chưa được đồng bộ, ngoài một số tuyến phố lớn được đặt tên như đường Nguyễn Trãi, đường Trường Chinh, đường Giải Phóng, còn lại chủ yếu là những con đường hẹp, chưa được trải asphalt và đa số là đường liên phường rải đá; trên các trục đường phố chính không có đèn tín hiệu giao thông. Trong các khu dân cư chủ yếu là nhà cấp 4, rất ít nhà dân cao 5 - 6 tầng. Hạ tầng kỹ thuật đô thị rất thiếu, điện không đủ, thiếu trạm biến áp, đường truyền tải điện không đủ công suất. Tại nhiều khu vực, người dân phải dùng nước giếng khoan.
Vậy mà gần 28 năm sau đó, thay cho vẻ lạc hậu, nghèo khó là diện mạo quận Thanh Xuân đẹp - văn minh - hiện đại. Dáng dấp của một đô thị hiện đại đang hiện hữu rõ nét với sự hình thành của những khu đô thị lớn được quy hoạch ngăn nắp như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, các tòa nhà cao tầng và hàng loạt khu chung cư cao cấp như Hapulico, Golden Land, tổ hợp Royal City... Cùng với đó, các tuyến đường quan trọng như Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, đường hai bên bờ sông Tô Lịch, đường sắt đô thị trên cao, đường vành đai 3... đã được xây dựng và mở rộng.
Đáng phấn khởi hơn, chỉ riêng trong năm 2023, quận Thanh Xuân đã nghiệm thu 88 công trình, dự án và đưa vào sử dụng; thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng 67 công trình, dự án; tổ chức ký cam kết tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ 5 dự án trọng điểm; triển khai duy tu, duy trì tốt hoạt động của hệ thống chiếu sáng công cộng, thoát nước, các công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ theo phân cấp của thành phố.
Song song với đó, quận Thanh Xuân quyết liệt chỉ đạo triển khai “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội” trên địa bàn quận; tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và thực hiện có hiệu quả Quy chế “Thực hiện dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận”. Công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo thực hiện...
Những phần việc nói trên đã góp phần quan trọng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực
Cùng với sự đổi thay về diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, quận Thanh Xuân đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và y tế. Trong những năm đầu thành lập, trên địa bàn còn thiếu nhiều trường học, bệnh viện, nhà văn hóa..., quận Thanh Xuân đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng xã hội. Nhờ đó, đến nay, nhiều trường học chất lượng cao được xây dựng, 11/11 phường có trạm y tế đạt chuẩn. Quận đã có Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao; 8 nhà văn hóa phường và hơn 190 nhà sinh hoạt cộng đồng; công viên Thanh Xuân và nhiều vườn hoa, thảm xanh rải rác trên địa bàn...
Cũng như nhiều địa phương khác của Hà Nội, trong lĩnh vực văn hóa, quận Thanh Xuân xác định rõ quan điểm phát triển gắn với bảo tồn, phát huy Giá trị di sản văn hóa. Cùng với đó, quận quan tâm đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều năm giữ vị trí thứ nhất ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.
Trong những năm đầu mới thành lập quận, Thanh Xuân là địa bàn khá phức tạp; nhiều tuyến phố, ngõ ngách thiếu đèn chiếu sáng và hai bên đường thường là đất trống bỏ hoang nên đã hình thành những tụ điểm phức tạp về ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội. Đến nay, có thể thấy rõ rằng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận Thanh Xuân đã có sự chuyển biến căn bản theo hướng tích cực.
Có được kết quả đó là do Quận ủy, UBND quận đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh - quốc phòng. Trong nhiều năm liền, quận Thanh Xuân luôn hoàn thành chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập phòng thủ khu vực; năm 2023, phường Khương Trung và Thanh Xuân Nam tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ chung, được Bộ Tư lệnh Thủ đô đánh giá cao.
Có thể khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển, vượt lên những khó khăn, thách thức, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ quận tới cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quận Thanh Xuân đã nỗ lực, đoàn kết phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Trong tương lai, phát huy những thành tích đã đạt được, với tinh thần quyết tâm xây dựng, phát triển quận toàn diện, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và các nguồn lực, tin tưởng rằng Thanh Xuân sẽ vững bước đi lên, thực sự là quận văn minh, hiện đại.
Nếu như năm 1997 (sau một năm thành lập), số thu ngân sách của quận Thanh Xuân chỉ đạt hơn 50 tỷ đồng (vượt 9,7% kế hoạch năm mà Thành phố giao) thì đến năm 2023, thu ngân sách của quận đã đạt hơn 5.710 tỷ đồng. Bước vào năm 2024, tính đến hết tháng 7, toàn quận đã thu ngân sách đạt hơn 4.313 tỷ đồng.