Chính trị

Từ Thành phố Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình đến “thủ đô của phẩm giá con người”

Nguyễn Sĩ Đại 11/10/2024 - 16:29

Năm 1976, giữa lúc Việt Nam còn mang đầy thương tích do vừa ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt, lập tức bị phong tỏa bởi sự cấm vận của chủ nghĩa đế quốc, thì ánh sáng văn hóa Việt Nam vẫn rọi tới Paris, hay nói đúng hơn, Việt Nam đã sớm hướng tới “ngôi nhà trí tuệ”, “ngôi nhà của tình hữu ái các dân tộc” - đó là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Suốt nửa thế kỷ qua, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm của tổ chức này, là hình mẫu của sự phát triển lấy giáo dục làm quốc sách, lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, lấy nhân văn làm động lực, mục tiêu trong xây dựng đất nước và đối ngoại, hội nhập quốc tế. “Đầu tàu” cho sự nghiệp đó, chính là Thủ đô Hà Nội.

nguoi-ha-noi-1.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham quan gian hàng tại Festival Thu Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

1. Ngày 16-7-1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.

“Thăng Long phi chiến địa/ Thiên hạ vạn đại xương” - hòa bình là khát vọng tha thiết nghìn đời của dân tộc Việt Nam nói chung và của người Hà Nội nói riêng. “Hòa bình” không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc, mà còn là mục tiêu và điều kiện căn bản để phát triển bền vững. Thủ đô phát triển bền vững là niềm tin, là cơ sở để cả nước phát triển bền vững. Vai trò của Hà Nội to lớn và tự hào xiết bao, cùng với đó là trách nhiệm cũng thật sự nặng nề.

Năm 2024, cả nước và nhân dân Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Ngày Giải phóng Thủ đô thiêng liêng với mỗi chúng ta vì đó là ngày dân tộc ta chiến thắng chủ nghĩa thực dân, ngày chứng minh cho sức mạnh của chế độ mới, ngày tươi sáng của con đường độc lập gắn với chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ đã chọn. Mùa thu Tháng Tám, Mùa thu 1954 đã làm cho Mùa thu Việt Nam trở thành Mùa thu Cách mạng với niềm vui bất tận. Sự tươi sáng của đất trời và lòng người.

“Không thể nói trời không xanh hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường”.

(“Cảm xúc tháng Mười” - Tạ Hữu Yên).

Mốc son kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô vào mùa thu dường như đã tưng bừng từ mùa xuân, mùa hạ, gắn với kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên lịch sử. Sự tưng bừng ấy không chỉ ở cờ hoa, khẩu hiệu...

Sự tưng bừng ấy diễn ra trong tâm thức và hành động của con người khi điểm lại nghìn năm lịch sử, một lịch sử đáng tự hào nhưng cũng đầy đau thương, vấp váp để sung sức hơn, trí tuệ hơn trên con đường đi tới cái đích đưa Việt Nam thành nước phát triển cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 2045).

Tại sao cái đích này thành một điều thiêng liêng thôi thúc?

Là vì, chính thể ấy do Bác Hồ lập nên để giành lấy và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Là vì, lời Bác Hồ trong Di chúc “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, lời Bác Hồ gửi học sinh ngày 15-9-1945 “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” còn vang vọng trong tim ta. Ngọn lửa khát vọng ấy đã cháy lên từ đời này sang đời khác và cơ đồ, vị thế hôm nay đang cho ta thực hiện khát vọng đó.

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội “hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây”. Sông Cầu phía Kinh Bắc chặn đứng quân xâm lược Tống, quân binh nhà Lý dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã hô vang lời thề độc lập, tinh thần quyết thắng:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Hà Nội trở thành nơi thử lửa, nơi diễn ra những trận quyết chiến chiến lược, đem lại thắng lợi quyết định trong mọi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Có một khúc ngắn sông Hồng mà trong thời kháng chiến chống Nguyên Mông, quân dân ta với tinh thần “Sát Thát” đã “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù”, khiến cho vó ngựa Nguyên Mông từng rền vang Âu Á phải dừng bước nhục nhã trước Đại Việt và mau chóng dẫn đến sự suy tàn của một đế chế.

Giặc Minh hung hãn trong cuộc xâm lược nước ta (1407 - 1428), “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”, phá thành, đốt sách dã man, cuối cùng bị vây khốn ở Đông Quan, giày xéo nhau mà tháo chạy. Hào khí, cốt cách anh hùng của Thăng Long - Hà Nội không chỉ thể hiện qua những võ công oanh liệt, mà còn trong câu nói của Trần Bình Trọng: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”; trong “Bình Ngô Đại Cáo” gọi vua Minh là “thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng” (“Toại linh Tuyên Đức chi giảo đồng, độc binh vô yếm”). Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung thần tốc tiến quân vào thành Thăng Long đập tan hàng chục vạn quân Thanh trong nháy mắt. Nhà thơ Ngô Ngọc Du miêu tả cảnh nhân dân Thăng Long đón mừng người anh hùng Nguyễn Huệ áo bào sạm khói súng:

“Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai thích cánh cùng nhau nói:
Cố đô vẫn thuộc núi sông ta”.

Hà Nội anh hùng khi Trung đoàn Thủ đô năm 1946 đã cùng nhân dân phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Lược, Hàng Gai... dựng lũy thép cầm chân giặc suốt hai tháng để Chính phủ sơ tán và chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến lâu dài, để rồi, tám năm sau, những người lính ấy lại trở về Thủ đô trong rợp bóng cờ sao:

“Ba mươi sáu phố, ngày hôm ấy
Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại
Năm cánh hoa xòe trên năm cửa ô”.

(Vũ Hoàng Chương).

Hà Nội anh hùng trong 12 ngày đêm năm 1972, hạ những “pháo đài bay” rụng đỏ mặt hồ, đập tan cuồng vọng muốn đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, muốn người Việt Nam phải khuất phục của đế quốc Mỹ. Trận “Điện Biên Phủ trên không” ấy là trận quyết định dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là trận đánh để thế giới biết đến Hà Nội như một Thủ đô bất khuất, Thủ đô của phẩm giá con người.

nguoi-ha-noi.jpg
Hà Nội là “đầu tàu”, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả nước. Ảnh: Việt Phú, Trúc Quỳnh

2. “Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người”, đó là tên bài xã luận của Báo Nhân Dân ngày 26-12-1972 do nhà báo Thép Mới viết. Nhưng câu nói ấy lại là do Thép Mới nghe được từ một người con gái Hà Nội phục vụ tại Khách sạn Thống Nhất. Trước cảnh rải thảm của B52, một nhà báo nước ngoài hoang mang: “Thế này thì Hà Nội mất hết, sụp đổ hết còn gì?”. Cô gái đáp: “Không, Hà Nội vẫn còn là Thủ đô, còn phẩm giá con người!”. Câu nói ấy sau trở thành thành ngữ, định ngữ không gì chính xác hơn cho Hà Nội. Sự sâu lắng của Hà Nội là ở hồn người, nó biểu hiện tinh tế, hào hoa hằng ngày và trong gian nguy, bật lên một cách chính xác và quyết liệt.

Chế Lan Viên trong bài “Cành đào Nguyễn Huệ” viết:

“Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu
Đào phi theo ngựa về cung nhé
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào”.

Tương truyền, sau khi đại phá quân Thanh, đúng mùng 5 Tết Kỷ Dậu ấy, Nguyễn Huệ đã cho người tìm một cành đào bích của Thăng Long gửi vào Huế cho vợ là công chúa Lê Ngọc Hân, con vua Lê Hiển Tông. Dù là sự thật lịch sử hay truyền thuyết thì ý nguyện của Nguyễn Huệ, của Lê Ngọc Hân chính là ý nguyện của nhân dân, mà trực tiếp là của người Hà Nội. Ý nguyện ấy là gì? Chiến công thắng giặc đáng ca ngợi nhưng cành hoa - cái đẹp và hòa bình, giá trị vĩnh hằng ấy còn đáng ca ngợi hơn nhiều.

Chúng ta sẽ không bao giờ nguôi nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người Hà Nội đã làm sáng lên phẩm giá con người, sáng lên chất thép của người cộng sản. Ngày 15-9-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất"!

“Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” là tố chất, là đặc điểm người Hà Nội. Tố chất ấy là kết tinh những phẩm tính cao đẹp của người Việt Nam, là cái làm cho con người ngày một hoàn thiện, ngày càng vươn về cái đẹp, cái cao cả.

Chúng ta rất mừng vì Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, ở vị trí dẫn đầu cả nước. Nếu năm 1999 - 2000, Hà Nội mới có thu nhập bình quân 800 USD/người/năm thì tới năm 2024 đã tăng gấp hơn 7 lần. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là: “Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Hạnh phúc của con người cao hay thấp được đo đếm bằng thu nhập và tiện nghi. Không ai phủ nhận được điều đó. Về mặt này, Hà Nội rất đáng tự hào với bước phát triển nhanh và dẫn đầu cả nước.

Nhưng hạnh phúc không chỉ có thế. Nếu chỉ nhìn vào thu nhập, tiện nghi sống thì ta có thể nói: Hàng nghìn năm trước, khi: “Ông lão giong trâu đi bừa/ Là con ông lão năm xưa đi cày”, thì cả dân tộc không có hạnh phúc; thời kháng chiến “củ khoai củ sắn thay cơm” thì không ai có hạnh phúc. Vậy chỉ số, hằng số nào đo đếm, bảo đảm hạnh phúc, ngay bây giờ ta phải tìm ra, phải khẳng định nó để lấy làm mục tiêu phấn đấu.

Phải chăng là độc lập, tự do, là đất nước hòa bình, sạch bóng quân thù như anh Nguyễn Văn Trỗi từng nói “Còn thằng Mỹ (xâm lược) thì không ai có hạnh phúc nổi cả?”

Phải chăng là con người sống với nhau trong tình thương (“Thương người như thể thương thân”; “Người yêu người sống để yêu nhau”), trong tình yêu lứa đôi (“Chàng đi cho thiếp đi cùng/ Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”)?

Phải chăng là giữ gìn truyền thống tốt đẹp, đề cao nhân phẩm (“Giấy rách giữ lấy lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”)?

Trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, tôi từng nghe nữ nghệ sĩ điện ảnh người Mỹ Jane Fonda nói: “Các bạn Việt Nam đã chiến thắng vì các bạn đã đặt con người ở trung tâm của sự phát triển đất nước”.

Gần đây, đọc trên mạng xã hội, tôi thấy Saleem Hammad, một người Palestine đã sống ở Việt Nam nhiều năm nay viết: “Bạn có biết vì sao tôi yêu Hà Nội không? Vì người Hà Nội rất tử tế và thân thiện. Người ta luôn chào đón bạn bằng một trái tim nồng ấm và nụ cười dễ thương. Và điều mà tôi thích nhất ở Hà Nội là không khí yên bình mà bạn có thể cảm nhận được ở bất cứ ngõ ngách nào”. Phải nói rằng, những cảm nhận này đều đúng, đều đáng làm cho ta tự hào.

3. Những lời ca ngợi của bạn bè quốc tế làm ta vui mừng và phấn chấn. Nhưng, chúng ta không thể không trăn trở, xấu hổ trước tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm ở Hà Nội, đặc biệt là sự xuống cấp về đạo đức vẫn xảy ra hằng ngày trên chính mảnh đất nghìn năm văn hiến đáng để cho chúng ta suy ngẫm và đau lòng. Đau lòng hơn nữa là nhiều cán bộ của Hà Nội đã lạm dụng chức quyền, tham nhũng, phải bước vào vòng lao lý...

Mong muốn Hà Nội có được những nhà lãnh đạo có tầm vóc, uy tín, được nhân dân mến mộ luôn là nguyện vọng chính đáng. Vua sáng thì tôi hiền, đời thịnh trị. Quy luật muôn đời là thế.

Nguyễn Trãi từng viết: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc... Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”.

Hà Nội vẫn còn đây. Nhân dân vẫn đó.

Làm thế nào để Hà Nội phát huy được giá trị của Thành phố Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình để xây dựng Hà Nội thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"?

Đó là tình yêu, trách nhiệm của mỗi người. Nhưng trước hết là trách nhiệm chính trị đặc biệt quan trọng của người lãnh đạo.

Tin rằng, được sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó.